Thứ 3, 16/04/2024 14:34:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:47, 08/08/2019 GMT+7

Sáng kiến khởi nguồn từ thực tiễn sản xuất

Thứ 5, 08/08/2019 | 08:47:00 526 lượt xem
BP - Thi đua sáng tạo, phát huy sáng kiến từ thực tiễn lao động, sản xuất không chỉ là cách thể hiện tình yêu ngành, yêu nghề của công nhân cao su mà còn góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nông trường 2 là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua sáng tạo, cải tiến kỹ thuật với nhiều ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm của Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng. Điển hình là 2 sáng kiến “Thang làm máng chắn nước mưa” của Tổ trưởng Tổ 8 Trần Ngọc Dũng và “Cải tiến cần phun thuốc trị bệnh nấm hồng” của công nhân chăm sóc Tổ 14 Nguyễn Ngọc Sang.

Thang làm máng mang tên “anh tổ trưởng”

Là công nhân khai thác của nông trường từ năm 1986, đến năm 2001, anh Trần Ngọc Dũng được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ 8. Không chỉ cần cù, anh Dũng còn luôn gần gũi, chia sẻ khó khăn với người lao động, được đồng nghiệp và cấp trên ghi nhận. Trước những khó khăn cũng như nguy hiểm gặp phải trong việc làm máng che mưa cho cây cao su, anh Dũng đã chế tạo ra thang làm máng chắn nước mưa, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và bảo đảm an toàn trong quá trình làm việc.

Sáng kiến “Thang làm máng chắn nước mưa” của anh Trần Ngọc Dũng (trái) giúp công nhân làm việc dễ dàng, an toàn

Anh Dũng chia sẻ: “Mỗi năm, cứ đầu mùa mưa, nông trường lại tổ chức làm máng che mưa cho cây cao su. Đây là công đoạn khó khăn, mất nhiều thời gian và nguy hiểm. Thông thường muốn làm máng che mưa, công nhân phải dùng thang hoặc ghế cao, trong khi trời mưa rất dễ trượt ngã. Tôi đã trăn trở, mày mò, nghĩ cách cải tiến thang làm máng thông thường thành thang hai chân vòng cung chống trượt giúp công nhân di chuyển lên xuống đảm bảo an toàn, không bị trượt chân té như trước đây”.

Thang do anh Dũng thiết kế có cấu tạo hai chân vòng cung, trên đầu thang gắn một sợi dây xích ôm để chống trượt và áp chặt vào thân cây. Trên đầu thang có hàn bệ đứng để công nhân làm việc lâu không bị đau chân. Ưu điểm của thang là không phải dịch chuyển nhiều lần như các loại thang bình thường khác. Ngoài sử dụng làm máng chắn nước mưa, thang có thể dùng vệ sinh miệng cạo, thiết kế trang bị cho vườn cây, giúp công nhân yên tâm trong quá trình thao tác trên cao. Từ đó, rút ngắn thời gian làm việc, đưa năng suất lao động tăng cao. Sáng kiến này của anh Dũng vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả cao.

 Nông trường 2 hiện có trên 50% công nhân là nữ. Trước đây, việc làm máng đa số do nam giới phụ trách, nhưng với chiếc thang này, công nhân nữ có thể làm việc dễ dàng. “Một vườn cây để hoàn thành làm máng che mưa phải mất 5-7 ngày, nhưng với chiếc thang tiện dụng này chỉ còn 2-3 ngày. Chi phí khoảng 600 ngàn đồng/thang thì công nhân nào cũng trang bị được” - anh Nguyễn Văn Bình, công nhân khai thác Tổ 8 chia sẻ. Sáng kiến của anh Dũng được công nhân trong nông trường áp dụng rộng rãi từ nhiều năm nay và một số đơn vị khác đã đến tham quan, học tập, nhân rộng.

Cải tiến nhỏ, lợi ích lớn

Sáng kiến “Cải tiến cần phun thuốc trị bệnh nấm hồng” của anh Nguyễn Ngọc Sang, công nhân chăm sóc Tổ 14 được công ty áp dụng từ năm 2010 đến nay. Trước đây, dụng cụ trị bệnh nấm hồng cho vườn cây là bình bơm tay 8 lít và cần dùng để phun lên vết bệnh bằng thân cây tre nên rất cồng kềnh, nặng, di chuyển đến nơi làm việc khó khăn và không điều chỉnh được chiều cao. Cần tre chỉ dài 3-4m không phun được những vết bệnh ở độ cao trên 10m nên rất khó khăn trong chăm sóc vườn cây ở cuối thời kỳ kiến thiết cơ bản và vườn cây kinh doanh năm thứ nhất, thứ hai.

Từ những bất cập đó, anh Sang đã nghiên cứu, cải tiến chiếc cần câu cá dạng như ăng-ten thành chiếc cần phun thuốc trị nấm hồng. “Tôi tận dụng những vật dụng dễ tìm, như: ống nhựa dẻo dẫn nước, dây thun cắt từ ruột xe máy. Sau khi tháo và lắp các đốt trên cần câu có độ dài như ý muốn, tôi luồn ống nhựa dẻo dẫn nước vào bên trong cần rồi gắn với môtơ xịt thuốc là có thể sử dụng. Chi phí làm cần phun chỉ 300-500 ngàn đồng, nhưng sử dụng được nhiều năm liên tục” - anh Sang chia sẻ.

Sáng kiến “Cải tiến cần phun thuốc trị bệnh nấm hồng” của anh Nguyễn Ngọc Sang giúp công nhân phun thuốc chính xác vào vết bệnh ở độ cao trên 10m

Anh Nguyễn Hữu Duy, Tổ trưởng Tổ 13, Nông trường 2 cho biết: Sáng kiến của anh Sang tuy đơn giản nhưng giúp công nhân chăm sóc vườn cây dễ dàng. Với cần xịt này có thể phun thuốc chính xác vào vết bệnh cao trên 10m và không rung lắc khi phun; tiết kiệm 2/3 thời gian so với phương pháp cũ; tiện dụng cho mọi lứa tuổi và chiều cao của từng người lao động. Từ khi áp dụng sáng kiến, tỷ lệ cây chết do nấm hồng giảm đáng kể, chất lượng mủ cũng như thu nhập của công nhân tăng lên. Hiện công nhân trong nông trường đã tự trang bị gần 40 bộ để phục vụ trị nấm hồng và đang nhân rộng ra toàn công ty.

Ngoài 2 mô hình nêu trên, hằng năm nông trường còn có hàng chục sáng kiến được công nhận các cấp, như: Đóng số chén hứng mủ, cải tiến bơm mủ bằng môtơ điện, máy quậy nhựa đường làm nguyên liệu keo gắn máng chắn nước mưa, máy cuốc hố bón phân... Những sáng kiến này không chỉ tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả đầu tư mà còn làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ngân Hà

  • Từ khóa
44712

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu