Thứ 4, 24/04/2024 00:31:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:42, 26/01/2015 GMT+7

Sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở Nhà máy chế biến Long Hà

Thứ 2, 26/01/2015 | 06:42:00 387 lượt xem
BP - Với đề tài: “Cải tiến và ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng nước của hệ thống xử lý nước thải”, nhà sáng tạo trẻ Nguyễn Tấn Hiếu (30 tuổi), kỹ sư Nhà máy chế biến Long Hà (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng) đã được Trung ương Đoàn trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” năm 2014. Sản phẩm đã được áp dụng trong thực tiễn có hiệu quả cao.


Anh Nguyễn Tấn Hiếu bên tủ điều khiển hệ thống xử lý nước thải của nhà máy 

Tốt nghiệp Đại học Tôn Đức Thắng, ngành Khoa học môi trường, năm 2009 anh Nguyễn Tấn Hiếu được tiếp nhận vào vận hành xử lý nước thải Nhà máy chế biến Long Hà. Với vốn kiến thức đã học cùng niềm đam mê sáng tạo, anh đã từng bước cải tiến hệ thống nhằm giảm chi phí, đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng nước theo TCVN 5945:2005 đạt loại B và từng bước nâng lên loại A. Hiện các chỉ tiêu xả thải đạt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Giảm chi phí hóa chất

Theo thiết kế trước đây thì hệ thống sử dụng Acid sunfuaric (98%) để giảm độ pH ở bể gạn mủ nhằm đông kết serum, nhưng thực tế bể gạn quá nhỏ không đủ thời gian đông kết serum nên hiệu quả không cao. Do đó, trong quá trình vận hành anh đã thí nghiệm và so sánh kết quả giữa châm Acid sunfuaric với việc không châm thì kết quả vẫn như nhau. Nhằm tiết kiệm chi phí hóa chất, anh kiến nghị lên cấp trên không sử dụng Acid sunfuaric theo thiết kế ban đầu. Theo định mức và giá thành thiết kế ban đầu thì chi phí sử dụng Acid sunfuaric tốn 200 đồng/m3 nước xử lý.

Mặt khác, việc sử dụng NaOH (32%) để nâng độ pH trong bể điều hòa lên 6.5, quá trình xử lý hệ thống tiếp theo rất tốn kém và giá thành xử lý nước cao. Vì vậy, anh đã thí nghiệm và đưa ra phương án sử dụng bơm hồi lưu nước từ bể vi sinh tuần hoàn về máng phân phối nước trước khi cho vào bể Aerotank để nâng độ pH của nước đầu vào, nhằm đảm bảo cho quá trình xử lý vi sinh mà không cần phải sử dụng NaOH. Cũng theo như định mức và giá thành thiết kế thì chi phí sử dụng NaOH là 320 đồng/m3 nước xử lý.

Từ việc không sử dụng Acid sunfuaric và NaOH để điều chỉnh độ pH sẽ tiết kiệm được 520 đồng/m3 nước xử lý. Theo số liệu năm 2012, hệ thống tiếp nhận và xử lý mỗi năm hơn 310.000 m3 nước thải. Như vậy tiết kiệm cho nhà máy 310.000m3 x 520 đồng = 161,2 triệu đồng/năm chi phí sử dụng hóa chất.

Giảm chi phí máy, điện và nhân công

Theo anh Hiếu, hệ thống bơm hóa chất theo thiết kế ban đầu là phải bơm từ bồn lớn qua bồn nhỏ và phải sử dụng nhiều thiết bị máy móc như: máy bơm chân không, van màng, máy nén khí, hệ thống van tự động, bơm định lượng... vận hành phức tạp, dễ xảy ra sự cố. Nếu người vận hành không kiểm tra thường xuyên thì khi có sự cố và không kịp thời phát hiện sẽ khó khăn cho quá trình vận hành hệ thống. Từ thực tế đó anh đã cải tạo lại hệ thống bơm hóa chất phục vụ quá trình xử lý. Không sử dụng nhiều máy móc phức tạp như trước mà trực tiếp gắn bơm định lượng ở bồn lớn, thiết kế lại đường ống lấy nước pha hóa chất nhanh chóng, giúp quá trình xử lý được vận hành liên tục. Máy hoạt động ổn định, tiết kiệm được các thiết bị không cần thiết, tiết kiệm 50% chi phí điện và 50% nhân công vận hành, đặc biệt là chi phí thay thế hệ thống van màng và màng bơm chân không. Ngoài ra, anh tận dụng palet cũ để làm khung đựng mủ serum, nhằm tiết kiệm chi phí bao đựng, vi sinh khử mùi và nhân công. Cải tiến hệ thống ống dẫn khí của bể Aerotank tránh xảy ra sự cố bể đường ống và tiết kiệm chi phí sửa chữa.

Trong quá trình vận hành, anh Hiếu đã nghiên cứu, nuôi cấy, nhân giống thành công vi sinh Aquacleand 32 nhằm khử mùi cho hệ thống xử lý nước thải, xưởng mủ tạp. Ngoài ra, anh còn trực tiếp xuống mương nước thải ở xưởng mủ tinh nhằm hỗ trợ cho quá trình xử lý ở hệ thống xử lý nước thải, giảm thiểu mùi hôi phát sinh. Nếu như trước đây, 1 bình Aquacleand 32 với 3,8 lít chỉ pha được 32 lít nước, nhưng khi nhân giống thành công thì 1 bình Aquacleand 32 sẽ cấy được 1 bồn 1.500 lít. Và nếu sử dụng đúng quy trình có thể duy trì vi sinh, chỉ cần bổ sung Aquacleand 32 với số lượng ít. Việc cải tiến này mỗi tháng tiết kiệm cho nhà máy từ 10 đến 12 triệu đồng chi phí.

Với những sáng kiến của mình, anh Hiếu là thanh niên tiêu biểu được Tỉnh đoàn tặng giấy khen và vinh dự được Trung ương Đoàn tặng huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” năm 2014.

                                               Vũ Thuyên

  • Từ khóa
50768

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu