Thứ 6, 29/03/2024 18:10:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:43, 23/07/2014 GMT+7

Sản xuất theo mô hình VietGAP - hướng đi mới cho nông dân

Thứ 4, 23/07/2014 | 14:43:00 193 lượt xem
BP - Bình Phước có diện tích cây ăn trái khá lớn. Nhưng do tập quán canh tác nhỏ lẻ, không tập trung, mạnh ai nấy làm nên đến vụ thu hoạch nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Mô hình trồng cây ăn trái của gia đình ông Lê Ngọc Oanh ở ấp 5, xã Tân Hưng (Đồng Phú) theo hướng VietGAP tạo ra sản phẩm đạt chất lượng nên tiêu thụ được tại siêu thị, chợ đầu mối. Đây là hướng phát triển kinh tế mới của nhiều hộ dân trồng cây ăn trái hiện nay ở tỉnh ta.

Ông Lê Ngọc Oanh phấn khởi trước vườn cây ăn trái của gia đình

Ông Lê Ngọc Oanh trồng 2 ha nhãn từ năm 1993. Nhưng do năng suất không ổn định, loại trái này không được thị trường ưa chuộng nên việc tiêu thụ khó khăn. Ông Oanh chuyển sang trồng các loại cây ăn trái khác. Việc chuyển đổi là bước đi táo bạo, vì để có được vườn nhãn đạt chất lượng ông Oanh phải đầu tư rất nhiều tiền và công sức. Đến nay, ông đã có vườn cây ăn trái với các loại: Sầu siêng, chôm chôm, bưởi da xanh, cam, quýt đường, nhãn, măng cụt, thơm, mít tố nữ...

Trồng cây ăn trái theo hướng VietGAP là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2008 dựa trên 4 tiêu chí: Kỹ thuật sản xuất đúng tiêu chuẩn; an toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch; môi trường làm việc phù hợp với sức lao động của nông dân; nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Theo ông Oanh, việc trồng xen các loại cây ăn trái trên cùng một diện tích đã khó nhưng để sản phẩm đạt chất và cao càng khó hơn. Để cây sinh trưởng và phát triển tốt thì công đoạn chăm sóc phải đặt lên hàng đầu. Ngoài việc bón các loại phân hóa học cần bổ sung thêm phân hữu cơ và các loại khoáng chất cần thiết. Đặc biệt, nguồn nước tưới là quan trọng nhất để cây sinh trưởng và phát triển. Bưởi, cam, quýt thường mắc các loại bệnh như nấm hồng, thối rễ, vì vậy việc chăm sóc đúng cách không những chống các loại sâu bệnh mà còn giúp cây phát triển khỏe mạnh.

Hiện các loại trái cây phải cạnh tranh để có chỗ đứng trên thị trường. Việc xây dựng mô hình sản xuất theo hướng VietGAP không những giúp nông dân có sản phẩm chất lượng để cạnh tranh với trái cây từ địa phương khác mà còn nâng cao thu nhập. 3 năm qua, các loại trái cây của gia đình ông Oanh được Siêu thị Co.op Mart Đồng Xoài ký hợp đồng bao tiêu. Ông Oanh cho biết, để đưa trái cây vào siêu thị, sản phẩm làm ra phải sạch, đảm bảo các tiêu chí khắt khe như dư lượng thuốc trừ sâu còn trong trái cây ở mức cho phép. Hiện ông Oanh cung cấp cho Siêu thị Co.op Mart Đồng Xoài 3 loại trái cây chính là cam, bưởi da xanh và quýt đường, khoảng 100-150kg/ngày. Với 2 ha cây ăn trái nhưng nhờ biết sử dụng tối đa diện tích, đầu tư chăm sóc hợp lý, mỗi năm gia đình ông Lê Ngọc Oanh thu 600-700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.

Ông Phạm Văn Hiếu, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng cho biết: Mô hình trồng cây ăn trái theo hướng VietGAP của hộ ông Oanh là hướng đi phù hợp. Đây là hướng đi rất cần được nhân rộng, nhất là khi các nhà vườn phải cạnh tranh cao như hiện nay.

Trung Thông

  • Từ khóa
37586

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu