Thứ 5, 25/04/2024 09:14:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:05, 08/08/2014 GMT+7

Sản xuất công nghiệp vẫn nhiều khó khăn

Thứ 6, 08/08/2014 | 14:05:00 1,880 lượt xem
BP - Từ đầu năm đến nay, kinh tế thế giới, trong nước tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành và đặc biệt là nỗ lực của các doanh nghiệp (DN), sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá so cùng kỳ 2013.

Những tín hiệu phục hồi

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 6 tháng đầu năm các cơ quan chức năng của tỉnh cùng Ngân hàng Nhà nước, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu như: Gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, gia hạn tiền sử dụng đất, giảm tiền thuê đất, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất... Những động thái trên đã góp phần hỗ trợ, động viên DN ổn định sản xuất - kinh doanh.

Một khâu chế biến gỗ ở Công ty cổ phần Gỗ Đồng Phú

 
Bà Lê Thị Tuyết Nga, Giám đốc Công ty Đồng Phước (xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài) cho biết, công ty đi vào hoạt động từ tháng 3-2013, chuyên sản xuất áo sơ mi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trong 6 tháng đầu năm 2014, công ty sản xuất được 236.720 sản phẩm, doanh thu đạt 240.422 USD, cao hơn so cùng kỳ năm 2013. Thu nhập bình quân đầu người đạt 4,5 triệu đồng/tháng. Công ty đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm nguồn hàng mới. Hiện công ty cần tuyển khoảng 700 công nhân. Với những lao động chưa có tay nghề, công ty sẽ đào tạo miễn phí và hỗ trợ thu nhập. Sau thời gian đào tạo nghề 3 tháng, nếu đạt yêu cầu sẽ được công ty ký hợp đồng lâu dài.

Tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, gần 10 ngàn công nhân Công ty TNHH Freewell đang dồn sức cho những đơn hàng mới. Kinh tế thế giới đang dần phục hồi là điều kiện thuận lợi để công ty tăng doanh thu trong những tháng cuối năm. Hiện công ty cần tuyển thêm 1.000 lao động phổ thông.

Theo đánh giá của Sở Công thương, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 8,4% so cùng kỳ. Công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng khá, cao hơn toàn ngành (tăng 9%). Các sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú. Thu hút đầu tư đã có dấu hiệu phục hồi. Bình Phước thu hút được 3 dự án đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp với số vốn đăng ký 51 triệu USD, góp phần nâng tổng số dự án đầu tư trong các khu công nghiệp của tỉnh lên 119. Trong đó, 68 DN đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. 17 dự án đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu...

Ông Trương Quang Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Phước cho rằng, sự ổn định về tỷ giá ngoại tệ, lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng cùng triển vọng phục hồi của nền kinh tế đã tạo tiền đề cho nhiều DN mở rộng quy mô sản xuất. 6 tháng đầu năm, dư nợ cho vay DN đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 38% so cuối năm 2013. Điều đó cho thấy, các chính sách về tiền tệ và tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã tác động tốt đến nền kinh tế và hoạt động của các DN trên địa bàn.

Khó khăn cần tháo gỡ

Mặc dù đã có bước tăng trưởng khá so cùng kỳ, nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, nhất là DN ngoài quốc doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, tính đến ngày 30-6-2014, toàn tỉnh có 3.831 DN hoạt động, 118 DN tạm nghỉ kinh doanh, 1.536 DN giải thể, phá sản; 1.171 DN bỏ trốn, mất tích. Hầu hết các DN báo cáo thuế quý 1/2014 đều lỗ, chỉ có 403 DN báo có lãi. 

Đại diện một số DN cho rằng, con số trên mới là bề nổi, thực tế không ít DN còn hoạt động đến thời điểm này cũng đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh. Khó khăn lớn nhất mà các DN đang phải đối mặt là thiếu vốn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, hoạt động sản xuất - kinh doanh đình trệ, năng suất giảm, hàng hóa làm ra không bán được. Chính sách giảm thuế thu nhập DN chưa giúp được nhiều cho DN, bởi rất nhiều DN làm ăn thua lỗ thì không tạo ra thu nhập để giảm loại thuế này...

TIẾP TỤC THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP

Để hoàn thành mục tiêu đưa giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2014 đạt 22.820 tỷ đồng, tăng 8,2%, Bình Phước tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng thiết yếu tại một số khu công nghiệp. Trước mắt, Bình Phước đang tập trung chuyển đổi chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Sài Gòn - Bình Phước, chỉ đạo các huyện, thị xã tích cực phối hợp nhà đầu tư giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; tăng cường kiểm tra, thu hồi đất các dự án treo để bố trí cho nhà đầu tư khác; khai thác hiệu quả nguồn vốn khuyến công hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường...

Ông Trần Hữu Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Đồng Phú cho biết, công ty chuyên sản xuất - kinh doanh đồ mỹ nghệ cao cấp từ gỗ điều, cao su, xà cừ, tràm bông vàng, nhưng chủ yếu là sản xuất chế biến gỗ cao su. 6 tháng đầu năm, công ty sản xuất nhiều, tiêu thụ ít, không có lợi nhuận. Trước đây, công ty xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 70% khối lượng hàng hóa, thì nay chưa tới 10%. Hiện tại, công ty đang tồn kho khoảng 4.000m3 gỗ.

Ông Loan cho rằng, hàng tồn kho nhiều, lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm (0,8%/tháng), nhưng DN vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn bởi các ngân hàng không cầm cố sản phẩm. Không chỉ riêng công ty mà rất nhiều DN trên địa bàn tỉnh không còn tài sản nào khác để thế chấp. Khó khăn lớn nhất hiện nay của công ty là nếu không sản xuất thì công nhân không có việc làm, phải hỗ trợ tiền thất nghiệp, còn làm thì hàng tồn kho, không có vốn xoay vòng. DN buộc phải hoạt động cầm chừng.

Đại diện Công ty cổ phần Hà Mỵ (Đồng Phú) cho biết đang gặp khó khăn về vốn. Năm 2014, công ty phấn đấu đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm mới thực hiện khoảng 20% kế hoạch sản xuất năm.

Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 375 DN thành lập mới, nhưng có tới 218 DN ngừng hoạt động cho thấy số DN bị phá sản, đóng cửa, thu hẹp phạm vi sản xuất... vẫn không ngừng tăng. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, bên cạnh các chính sách thuế, lãi suất, kích cầu tiêu dùng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN của Nhà nước, mỗi DN phải tiếp tục nâng cao trình độ quản lý, đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ, thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường, ổn định sản xuất - kinh doanh.    

 Minh Luận

  • Từ khóa
38959

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu