Thứ 5, 18/04/2024 11:13:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:12, 18/12/2014 GMT+7

Sản vật thiên nhiên “Quà tặng mưu sinh” của đồng bào

Thứ 5, 18/12/2014 | 10:12:00 496 lượt xem
BP - Thời gian qua, những hộ dân xã Đồng Nai (Bù Đăng) không có đất sản xuất đã mưu sinh bằng cách tìm kiếm những sản vật thiên nhiên về bán.

Đến xã Đồng Nai vào buổi sáng, chúng tôi chỉ gặp toàn người già và trẻ nhỏ ở nhà. Không phải mùa thu hoạch điều nhưng số người trong độ tuổi lao động đều tranh thủ đi kiếm củ thiên niên kiện, củ cây móp, chuối xanh...

CÂY RỪNG CỨU ĐÓI

Gắn bó với việc tìm kiếm đọt cây móp đã nhiều năm, bà Thị Criết (dân tộc Xêtiêng) ở thôn 3 hiện đã “lành nghề”. Trước đây, bà có 2 sào điều nhưng do bệnh tật sinh nợ nần phải bán trả nợ. Được Nhà nước hỗ trợ xây nhà tình thương, nhưng không có đất sản xuất nên ngày nào bà cũng cùng các con đi kiếm đọt cây móp về bán, mỗi ngày được từ 50.000-150.000 đồng. Địa điểm tìm kiếm chủ yếu ở các bưng, bàu trong khu vực trảng cỏ Bù Lạch. Bà Thị Criết nói: “Ngày nào không đi kiếm củ, cây rừng, ngày đó không có tiền mua gạo”.

Bà Thị Criết (trái) bán đọt cây móp sau một ngày đi kiếm

Mỗi ngày vựa mua tươi từ 1-2 tấn các loại. Trong đó, củ thiên niên kiện giá 1.500-2.000 đồng/kg, chuối xanh 2.000 đồng/kg, củ móp 2.500 đồng/kg, đọt mướp gai và rau rừng 10.000-15.000 đồng/kg. Riêng củ móp và thiên niên kiện, phải sơ chế rồi thái lát, phơi khô. Chuối xanh phải lột vỏ phơi khô. Trung bình 2 ngày, gửi hàng về thành phố một lần.

Bà Đặng Thị Kim Cúc, chủ vựa thu mua sản vật.

Khác với bà Thị Criết chỉ tìm kiếm đọt cây móp, vợ chồng anh Điểu Nghé cùng thôn lại tìm thêm chuối non về bán. Anh Điểu Nghé nói: “Ở đây, nhiều người cùng đi nên phải lựa tìm thêm cây khác, chứ đổ xô tìm một thứ cây thì sẽ nhanh hết. Bữa nào bệnh không đi được sẽ bị thiếu ăn”. Không có đất sản xuất nên trước đây vợ chồng anh thường đi làm công cho các chủ vườn trên địa bàn, nuôi 8 người con. Do công việc bấp bênh nên 3 năm nay, vợ chồng anh chuyển sang kiếm chuối non và đọt cây móp, ngày ít thì được vài chục ngàn, nhiều được hơn 100.000 đồng. Cầm trên tay 85.000 đồng là thành quả của hai vợ chồng sau một ngày vất vả, anh Điểu Nghé nói: “Số tiền này để dành cho hai ngày ăn tiếp theo và mua thuốc cho con út đang bệnh. Đã mấy ngày nay, không có thuốc, bệnh không khỏi nên nó vẫn đang sốt”.

Ba giờ chiều, mồ hôi ướt đẫm, chị em Thị Đào ở thôn 6, chân tay lấm lem bùn đất, chạy thẳng đến điểm thu mua thôn 4 để bán củ thiên niên kiện. Sau 8 tiếng lần mò dưới bưng sình, hai chị em Đào thu về 150.000 đồng. Cực nhọc cả buổi nhưng không dám hoang phí, Đào chở em về nhà nấu cơm ăn, dành tiền lo cho gia đình. Ở đây không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng sớm phải lo toan gánh nặng mưu sinh. Điểu Hiếu ở thôn 3 là con út trong gia đình. 15 tuổi nhưng Hiếu đã có 3 năm gắn bó với công việc này. Suốt ngày Hiếu theo mẹ đi kiếm đọt cây nên em không còn thiết tha đến trường.

BAO NHIÊU CŨNG MUA

Chủ vựa thu mua các loại sản vật tự nhiên là bà Đặng Thị Kim Cúc ở thôn 4. Cách đây 4 năm, thương lái từ thành phố Hồ Chí Minh về hỏi các loại cây củ móp, chuối non, củ thiên niên kiện và đặt mua thường xuyên. Bà Kim Cúc cho hay: Nghe thương lái nói củ móp có tác dụng mát gan, còn đọt là đặc sản trong bữa ăn; củ thiên niên kiện trị bệnh gan, đau nhức xương khớp; trái chuối xanh sẽ phơi khô ngâm rượu. Thương lái ở thành phố cần rất nhiều nguồn hàng này.

Không chỉ đồng bào dân tộc thiểu số xã Đồng Nai mà người dân ở nhiều xã khác cũng đi kiếm và chở đến bán cho “đại lý” của bà Cúc. Tại vựa thu mua, chúng tôi gặp ông Điểu Tới ở thôn 4, xã Bom Bo (Bù Đăng) là khách hàng quen của bà Cúc nhiều năm qua. Hộ nghèo, không đất sản xuất nên nguồn thu 600-800.000 đồng/tháng từ việc kiếm chuối non, giúp gia đình ông trang trải chi phí sinh hoạt. Ông Điểu Tới cho biết: “Trong rẫy điều của đồng bào, cây chuối mọc tự nhiên nên vợ chồng tôi đi kiếm mỗi ngày bất kể trời mưa hay nắng. Gom góp mấy ngày, tôi chạy honda chở sang Đồng Nai bán”.

Thiên niên kiện (còn gọi là cây sơn thục, cây bao kim) là loại cây sống lâu năm, có thân rễ mập, màu xanh, mọc hoang nhiều ở các miền rừng núi, những nơi ẩm ướt, dọc triền suối, là vị thuốc có tác dụng mạnh gân cốt, chữa tê thấp, đau nhức xương.

Ông Điểu Cú ở xã Thọ Sơn (Bù Đăng) cũng kiếm đủ các loại, trung bình 2 ngày chở đến bán cho bà Cúc một lần, thu về 400-500.000 đồng/tháng.

Bà Kim Cúc cho biết: Người dân tranh thủ lúc nhàn rỗi đi tìm kiếm các sản vật trong vùng. Đây không phải công việc chính nhưng số tiền thu được mỗi ngày từ các loại cây này đã giúp người dân trang trải chi phí sinh hoạt, đặc biệt cứu đói giáp hạt cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số.     

Hải Châu

  • Từ khóa
92529

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu