Thứ 4, 17/04/2024 01:04:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 07:03, 02/01/2017 GMT+7

Sân chơi khoa học cho những người không chuyên

Thứ 2, 02/01/2017 | 07:03:00 172 lượt xem
BP - Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” và “Sáng tạo kỹ thuật” được UBND tỉnh và Sở GD-ĐT phát động hằng năm. Sau nhiều năm triển khai, các sân chơi đã tạo sức hút mạnh mẽ từ học sinh đến người lao động. Đặc biệt, đến với sân chơi này các em còn có cơ hội sở hữu “tấm vé” đặc cách bước vào giảng đường đại học.

SÂN CHƠI SÁNG TẠO

Ông Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: “Để công tác tuyên truyền về cuộc thi đạt hiệu quả, chúng tôi phát hành tờ rơi, treo băng rôn, pa-nô, áp-phích, đồng thời xuất bản kỷ yếu cuộc thi hằng năm và đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của sở để các huyện, thị và thí sinh tìm hiểu thêm. Ban tổ chức phát động cuộc thi vào đầu tháng 9 hằng năm và tiếp nhận hồ sơ đến hết ngày 5-5 của năm sau, tức theo chu kỳ năm học. Những sản phẩm, mô hình đoạt giải sẽ được Sở KH&CN trưng bày, giới thiệu tại lễ trao giải. Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên phổ biến thể lệ cuộc thi trên bản tin KH&CN Bình Phước nên đông đảo nhân dân trong tỉnh biết đến”.

Hai em Nguyễn Đức Anh và Trần Xuân Lĩnh với sản phẩm “Thước đo tầm xa sử dụng tia lazer” tại cuộc thi năm 2016

Qua 9 năm tổ chức, toàn tỉnh đã có 13.693 tác giả, nhóm tác giả độ tuổi từ 6-19 dự thi, trong đó 1.268 tác giả, nhóm tác giả dự thi cấp tỉnh, 606 tác giả, nhóm tác giả được chọn vào vòng chung khảo cấp tỉnh và có 309 tác giả, nhóm tác giả đoạt giải. Riêng cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật” do Sở GD-ĐT tổ chức, sau 3 năm triển khai đã thu hút hàng trăm tác giả đăng ký dự thi cấp tỉnh,18 sản phẩm dự thi cấp quốc gia.

Ý TƯỞNG XUẤT PHÁT TỪ THỰC TẾ

Do lĩnh vực dự thi rộng, bao trùm đời sống, xã hội nên đa số sản phẩm dự thi đều xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống. Chính vì vậy, nhiều sản phẩm được ứng dụng hiệu quả trong học tập, vui chơi giải trí và phục vụ hữu ích trong sản xuất như máy cắt và xắt cỏ cho cá, máy chặt củ mì của em Nguyễn Tiến Hoàng ở Bù Đốp; máy lượm trái điều của em Vũ Huy Hoàng ở Bù Đăng; đèn bắt côn trùng của em Nguyễn Duy Long ở Chơn Thành; giá đựng sách, báo của em Phạm Thị Kim Anh ở thị xã Đồng Xoài...

Ban tổ chức trao giấy khen cho thí sinh đoạt giải trong cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” tỉnh Bình Phước lần thứ IX, năm 2015-2016

Khi đang là học sinh lớp 11 (năm học 2011-2012) Trường THPT Thanh Hòa (Bù Đốp) Nguyễn Tiến Hoàng (sinh viên Trường đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thấy người dân vất vả trong việc cắt, xắt cỏ cho cá ăn nên em đã chế tạo ra chiếc máy cắt và xắt cỏ. Chiếc máy được vận hành bằng môtơ, sử dụng nguồn điện 220V. Một giờ máy có thể xắt được 180-200kg cây thân cỏ tiêu tốn điện năng khoảng 1kw/h. Đặc biệt, máy có thể xắt nhỏ cả lá lẫn cọng cỏ nên cá sẽ ăn hết, thức ăn không bị dư thừa như khi người dân tự xắt. Nhờ vậy, nước trong các ao, hồ nuôi cá luôn đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện máy cắt cỏ được nhiều người dân trong vùng sử dụng vì sự tiện lợi và tiết kiệm công sức cho người nuôi cá. Trước đó, năm học 2010-2011, Hoàng chế tạo máy chặt củ mì và đã đoạt giải nhì trong cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” quốc tế. 

Cũng xuất phát từ thực tế, em Nguyễn Đức Anh, học sinh lớp 11 tài năng 1 và em Trần Xuân Lĩnh, học sinh lớp 10 tài năng 2, Trường THPT Đồng Xoài (Đồng Xoài) đã nghiên cứu và cho ra sản phẩm “Thước đo tầm xa sử dụng tia lazer”. Với sản phẩm này đã giúp 2 em đoạt giải ba cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” cấp tỉnh vừa qua. Hiện tại, Anh và Lĩnh đang làm mô hình “Rô-bốt môi trường” để thu gom rác thải.

RÚT NGẮN ĐƯỜNG VÀO ĐẠI HỌC

Từ cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật” và “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng”, những em đoạt giải cao từ cấp quốc gia trở lên sẽ được ưu tiên hoặc xét tuyển thẳng vào đại học khi còn học THPT. Tiêu biểu như em Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Phi Khang (Chơn Thành) được ưu tiên cộng thêm điểm để vào đại học nhờ đoạt giải ba quốc gia với thiết bị “Tưới nước tự động”. Em Bình cho biết: “Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, em và Khang thi và xét nguyện vọng 1 vào Trường đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Sau kỳ thi, tổng các môn em chỉ đạt 20 điểm và Khang đạt 21,35 điểm, trong khi ngành dự xét là 23 điểm. Nhờ đoạt giải trong cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật” cấp quốc gia nên chúng em được cộng điểm ưu tiên và trúng tuyển đại học. Hiện em và Khang là sinh viên năm thứ nhất Trường đại học Sư phạm kỹ thuật, chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử. Đây là ngành chúng em rất thích và hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để có nhiều sáng kiến hay phục vụ đời sống”.

Cũng thành công từ cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng”, em Đậu Bá Kiên (Bù Đăng) được tuyển thẳng vào trường đại học khi còn là học sinh THPT mà không qua thi tuyển.

CẦN SỚM HIỆN THỰC HÓA Ý TƯỞNG

Sau 9 năm tổ chức cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” đã có hàng ngàn thí sinh đăng ký dự thi và có trên 300 mô hình, sản phẩm đoạt giải cấp tỉnh, 22 giải cấp quốc gia. Đặc biệt, Bình Phước đã có 3 thí sinh đoạt huy chương bạc tại triển lãm quốc tế về sáng tạo khoa học và công nghệ trẻ châu Á. Đây là những thành tích rất đáng tự hào, đưa Bình Phước trở thành một trong những địa phương đi đầu về phong trào sáng tạo trẻ toàn quốc. Đây cũng là động lực để thanh thiếu niên, nhi đồng Bình Phước phấn đấu học tập, say mê sáng tạo, ngày càng có nhiều mô hình khoa học - kỹ thuật tham gia các cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế.

“Để cuộc thi thực sự là sân chơi bổ ích, qua đó phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trong lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu ban tổ chức đổi mới hơn nữa về tuyên truyền. Đối với những đề tài có tính sáng tạo và ứng dụng cao sẽ được hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quảng bá để chuyển giao nhằm hoàn thiện sản phẩm đưa vào sử dụng trong thực tiễn” - ông Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Sở KH&CN nói.

Thùy Hương

  • Từ khóa
98367

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu