Thứ 6, 29/03/2024 01:50:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:04, 27/01/2017 GMT+7

Sắc màu Nam Bộ trong ngày tết

Thùy Hương
Thứ 6, 27/01/2017 | 15:04:00 353 lượt xem
BPO - Khác với cái tết ở Bắc bộ giá lạnh, kèm theo là những hạt mưa xuân thì tết Nam Bộ như được tưới trong nắng vàng. Những ngày cuối tháng Chạp, các chợ hoa, chợ tết đều dựng sạp, đâu đâu cũng nhộn nhịp. Hầu hết gia đình nào cũng mua một chậu mai, cây cảnh, mâm ngũ quả cùng các món ăn đặc trưng của vùng đất này để đón tết.

Những ngày cuối năm người dân tập trung về chợ hoa xuân để chọn cho mình những chậu mai đẹp nhất về trưng tết  Ảnh: Thùy HươngNhững ngày cuối năm người dân tập trung về chợ hoa xuân để chọn cho mình những chậu mai đẹp nhất về trưng tết - Ảnh: Thùy Hương

Rực rỡ sắc xuân

Những ngày cuối tháng Chạp là thời điểm các phiên chợ tết trở nên nhộn nhịp, sầm uất khác thường. Những chậu mai vàng, quất cảnh sai trĩu quả được bày bán khắp mọi nẻo đường, góc phố. Chợ hoa xuân ngoài ý nghĩa như dấu hiệu đặc thù của xuân Nam Bộ, còn là thú vui tao nhã thể hiện cốt cách lãng mạn của người dân Nam Bộ.

Ấn tượng nhất của chợ hoa Nam bộ bao giờ cũng là gian hàng mai kiểng. Bởi, theo quan niệm của người Nam Bộ, hoa mai thể hiện sự may mắn. Đặc biệt, một nhành mai nở hoa vàng rực vào những ngày đầu năm thể hiện sự sung túc, tốt lành trong cả năm. Vì vậy, ai cũng chọn cho mình những cây mai thật đẹp, có nhiều nụ để mua về trưng bày trong những ngày tết.

Anh Ngô Tiến Mạnh, chủ gian hàng mai kiểng trong chợ hoa xuân Đồng Xoài cho biết: Mai dự chợ xuân thường có hai loại mai tàng và mai bon sai. Mai tàng là những loại cây phát triển tự nhiên, loại mai này thường sum suê cành nhánh, hoa chỉ có 5 cánh. Mai bon sai phần lớn là mai ghép được trồng trong chậu kiểng và được uốn, tỉa rất công phu. Những chậu mai ghép khi nở cho những bông hoa nhiều cánh, đa sắc. Nhưng mỗi người lại có quan niệm, một ý thích khác nhau. Có người chỉ thích những chậu mai phát triển tự nhiên, nhưng có người lại thích chậu mai đã được bàn tay con người uốn nắn, tạo ra những hình dáng đẹp mắt.

Những chậu tắc (ngoài miền Bắc gọi là chậu quất cảnh) cũng không thể thiếu trong các phiên chợ xuân. Gia chủ nào có điều kiện, ngoài trưng mai trong những ngày tết còn mua thêm chậu tắc về bày biện. Tùy sở thích và thú chơi của mỗi người mà có cách chọn cây khác nhau. Bên cạnh đó, chợ hoa xuân năm nay còn có sự góp mặt của các loại bông: mãn đình hồng, thược dược, hướng dương, hồng, cúc, vạn thọ, lan… tạo nên một sắc xuân đa dạng, phong phú.

Triết lý mâm ngũ quả

Những ngày cuối năm, người dân đổ xô về các chợ chọn cho mình những món ăn, thức uống phục vụ cho 3 ngày tết, cùng với đó không thể thiếu mâm ngũ quả. Người Việt thường lấy hiếu nghĩa làm trọng và sống theo triết lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hướng về cội nguồn dân tộc. Vì vậy, các gia đình dù nghèo hay giàu, trong 3 ngày tết luôn phải có mâm ngũ quả đặt lên bàn thờ dâng cúng tổ tiên, bên cạnh là bánh, mứt, trà, nhang…

Gian hàng hoa mỹ nghệ trên đường 6-1, thị xã Phước Long   Ảnh: Sỹ HòaGian hàng hoa mỹ nghệ trên đường 6-1, thị xã Phước Lon - Ảnh: Sỹ Hòa

Ông Nguyễn Hoài Nam, ở xã Bình Sơn, huyện Bù Gia Mập cho biết: Trong mâm ngũ quả người dân Nam bộ thường chọn 5 loại trái cây tượng trưng cho thành quả lao động, đồng thời cũng nói lên được triết lý mà ông cha ta để lại: “cầu vừa đủ xài, sung túc”. Theo đó cầu (mãng cầu), vừa (dừa, dưa), đủ (đu đủ), xài (xoài), sung túc (sung). Sung có nghĩa là sung túc, ai mà chẳng thích, với người Nam bộ họ chỉ cầu sung túc nhưng chỉ ở mức độ “vừa đủ xài”. Theo triết lý người xưa để lại qua mâm ngũ quả, không đơn giản chỉ là lời cầu chúc suông về tài lộc mà còn khuyên răn con cháu phải biết “vừa đủ” để tiêu xài đúng chỗ, đúng lúc.        

Món ăn ngày tết

Phụ thuộc vào thời tiết, vì vậy món ăn đặc trưng cho hai miền Bắc bộ và Nam bộ cũng khác nhau. Nếu ngoài Bắc chuộng món thịt đông (thịt heo, thịt gà… nấu đông) thì trong Nam thời tiết nắng ấm người dân có món thịt kho tàu kèm theo đó là món bánh tét (hay còn gọi là bánh đòn) ăn kèm với dưa giá, kiệu muối dưa, dưa góp.

Dưa hấu vẽ chữ nghệ thuật trưng tết mang đậm bản sắc văn hóa Nam bộ tại chợ hoa Trung tâm thương mại Phước Bình  Ảnh: Sỹ HòaDưa hấu vẽ chữ nghệ thuật trưng tết mang đậm bản sắc văn hóa Nam bộ tại chợ hoa Trung tâm thương mại Phước Bình  Ảnh: Sỹ Hòa

Mâm cơm ngày tết thể hiện sự trau truốt, thành kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Và người dân luôn quan niệm các món ăn phải có đủ các vị mặn, ngọt, chua, cay, đắng. Vì vậy, từ xưa đến nay, những món ăn được xem là thực đơn vĩnh cửu của người Nam bộ đó là khổ qua nhồi thịt, thịt kho Tàu, dưa cải, kiệu muối. Phổ biến nhất vẫn là món thịt kho Tàu, còn được gọi là thịt kho hột vịt hay thịt kho nước dừa.

Ngoài các món ăn đặc trưng, thì ba ngày tết của người miền Nam là ba ngày vui chơi ăn uống, thăm viếng, chúc nhau những điều mới mẻ, tốt lành. Một tập quán phổ biến là trong những ngày đầu năm mọi người thường chỉ nói ra những lời hay, ý đẹp gặp nhau chào mừng, hi vọng mọi điều như ý. Bao điều không vui, không vừa lòng đều bỏ đi. Phong tục ngày tết tượng trưng cho truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Cho dù ở mỗi vùng miền có sự khác biệt nhất định, nhưng tất cả đều thể hiện được nét văn hóa độc đáo, phong phú mang giá trị tinh thần lớn lao cần được gìn giữ và phát huy.

  • Từ khóa
92676

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu