Thứ 6, 29/03/2024 17:12:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 14:44, 03/08/2017 GMT+7

Sa thải người lao động vì lý do mang thai sẽ bị phạt tù

Thứ 5, 03/08/2017 | 14:44:00 140 lượt xem

BP - Bộ luật Lao động hiện hành đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18-6-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013. Và để bảo vệ thai sản đối với lao động nữ, tại Khoản 3, Điều 155 của bộ luật này có quy định như sau: Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

Quy định cấm người sử dụng lao động sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Trong ảnh, lao động nữ ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh - Ảnh: K.B

Như vậy, trong Bộ luật Lao động hiện hành đã quy định cấm người sử dụng lao động sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Luật quy định là vậy nhưng trong thực tế vẫn xuất hiện nhiều trường hợp người sử dụng lao động sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do nêu trên. Cụ thể, đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, mỗi đơn vị chỉ có một kế toán, một nhân viên thủ quỹ, nhưng khi các nhân viên này nghỉ thai sản thì buộc chủ doanh nghiệp phải thay đổi người khác. Vì chế độ thai sản được nghỉ tới 6 tháng mà doanh nghiệp thì không thể dừng hoạt động cũng như không thể không có nhân viên kế toán hoặc thủ quỹ. Chính vì thế, đã có không ít lao động nữ sau khi nghỉ thai sản quay trở lại thì không còn việc hoặc phải chuyển sang làm việc khác. Vì công việc trước đây của họ đã có người khác thay thế.

Hơn nữa, trong Bộ luật Lao động cũng có quy định cụ thể về bảo đảm việc làm cho lao động nữ nghỉ thai sản như sau: Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của Bộ luật này; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản. Đồng thời, trong Bộ luật Hình sự hiện hành cũng có quy định cụ thể về tội danh buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật, tại Điều 128 như sau: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Luật quy định là vậy, nhưng rất ít chủ doanh nghiệp thực thi một cách nghiêm túc, vì không có chế tài bắt buộc và cũng không có hình phạt cụ thể, nên việc chủ doanh nghiệp “lờn luật” đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Thế nhưng, từ ngày 1-1-2018 trở đi, người sử dụng lao động nếu vi phạm quy định này sẽ phải tự mình gánh lấy chế tài về hình sự hết sức nặng theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, Điều 162 của Bộ luật Hình sự mới có quy định về tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật như sau: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức; Sa thải trái pháp luật đối với người lao động; Cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Đối với 2 người trở lên; Đối với phụ nữ mà biết là có thai; Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm.

Như vậy, chế tài đối với tội danh này trong Bộ luật Hình sự mới nặng hơn nhiều so với quy định hiện hành tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 1999. Cụ thể, mức phạt tù tối đa đối với tội danh này đã nâng từ 1 năm lên thành 3 năm. Hơn nữa, Bộ luật Hình sự mới đã bổ sung hình phạt tiền đối với hành vi này là từ 100-200 triệu đồng. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự mới cũng đã quy định rõ về các hành vi cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc... hoặc phạm tội đối với 2 người trở lên hoặc đối với người mà biết là có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Điểm mới này không những bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ trong thời kỳ hội nhập mà còn mang đậm tính nhân văn.

N.V

  • Từ khóa
29971

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu