Thứ 5, 25/04/2024 18:30:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:23, 25/04/2013 GMT+7

Sa Pa - thị trấn mờ sương

Thứ 5, 25/04/2013 | 08:23:00 562 lượt xem

Hành trình xuyên Việt của đoàn cán bộ, phóng viên Báo Bình Phước đến ngày thứ 6 mới tới thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Trên chặng đường hơn 300km từ thành phố Điện Biên đến Sa Pa, mọi người ngồi trên xe như đang bay là là trong làn sương, mây cuộn vòng quanh các đỉnh núi, dốc nối dốc, đá tiếp đá, những đoạn đường quanh co uốn lượn.

Sa paNgười Mông mang theo sản phẩm địa phương đến bán tại chợ Sa Pa

Hơn 6 giờ tối, đoàn được chiêm ngưỡng một Sa Pa phủ sương mờ, mưa phùn rét buốt, cách nhau chưa đầy 3m mà khó có thể nhìn thấy người đi phía trước. Cả thị trấn gần như chỉ toàn khách du lịch đến nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn. Con đường bộ đi vào chợ Sa Pa như chùng xuống bởi sương mù dày đặc. Trong mưa, chợ được trang điểm bằng những chiếc dù che nhiều màu sắc, những chiếc áo mưa mỏng manh của du khách, của những người Mông, Dao, Thái... xen lẫn làn sương. Tranh thủ đưa chúng tôi vào chợ, anh Hà Mạnh Dũng, biên tập viên báo Lào Cai kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên đã chia sẻ nhiều thông tin. Chợ Sa Pa là chợ truyền thống được mở rộng và nâng cấp trong những năm gần đây. Cũng như các chợ biên giới vùng cao khác, chợ Sa Pa có đầy đủ các mặt hàng từ nông sản đến điện tử. Cái riêng của chợ Sa Pa là những sản phẩm dược liệu, chỉ cần vài chục ngàn đồng là bạn có thể mua được một gói thuốc bổ đủ vị như: Táo mèo, nấm linh chi, sâm, củ tam thất...; dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ rất thu hút du khách. Nét đặc sắc của chợ là sự góp mặt của đông đảo các dân tộc Mông, Dao, Thái... ở trong, ngoài tỉnh đem theo sản phẩm độc đáo của địa phương mình như: vải, thổ cẩm, vòng bạc, vòng tay, hoa tai... Ở đâu cũng thấy họ gùi hàng sau lưng, đeo bên hông hay vắt qua vai đi khắp các ngả đường chào bán. Song lại có nhiều người lặng lẽ đứng hai bên phố mỉm cười đón người mua. Chợ thường bắt đầu từ 6 giờ sáng đến quá trưa mới vãn. Vào các ngày Chủ nhật, lễ, tết thì chợ đông, kéo dài cả ngày.

Sa Pa thuộc địa phận tỉnh Lào Cai, là bộ phận lãnh thổ phía Đông của Tây Bắc Việt Nam. Ở độ cao 1.560m, nằm dưới đỉnh cao nguyên Can Thàng 670m, cách vịnh biển Bắc bộ theo đường chim bay 385km. Thị trấn Sa Pa là đơn vị hành chính thứ 18 của huyện Sa Pa. Sa Pa có diện tích 678,64km2 so với diện tích 95km2 của cao nguyên Can Thàng. Sa Pa nổi tiếng với các điểm du lịch như: Thác Bạc, núi Hàm Rồng, cụm Sa Pả - Tả Phìn, thung lũng Hoàng Liên - Mường Hoa, xã San Sả Hồ với đỉnh Phan Xi Phăng, xã Lao Chải, xã Tả Van, cụm Nậm Sài - Nậm Cang, cụm Kim Thanh - Bản Phùng...

 

Mưa dầy hạt hơn, thấy chúng tôi có vẻ co ro vì rét, anh Dũng cười: “Thời tiết Sa Pa lạ lắm, trong một ngày mà có đủ bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Ngày hôm trước, buổi sáng còn có nắng, đến trưa thì mát mẻ, chiều sương đã giăng phủ khắp, tối nhiệt độ xuống thấp hơn. Tuy nhiên, cái thú vị trong mưa rét là ghé vào một gian hàng đơn giản mà ăn các món nướng như: bắp, trứng, thịt... và uống rượu táo mèo”. Dẫn chúng tôi về đầu chợ, phía dưới nhà thờ đá, anh Dũng chỉ vào bãi đất trống, cho biết đó là chợ Tình, nơi giao duyên của nam thanh nữ tú người đồng bào dân tộc thiểu số. Chợ thường diễn ra vào thứ Bảy, từ chập tối đến 21-22 giờ. Trai gái hát đối đáp hoặc sử dụng nhạc khí dân tộc như đàn môi, khèn... để giao lưu. Qua giao duyên mà rất nhiều cặp đã nên vợ nên chồng và nhiều người trở thành bạn thân thiết của nhau.

Sáng sớm ngày hôm sau, đoàn lên đường qua Lào Cai, trời vẫn mưa, sương đã bớt dày hơn đêm trước. Cách thị trấn vài kilômét, quang cảnh xung quanh đã thay đổi với hình ảnh của những thửa ruộng bậc thang trên các ngọn đồi trùng điệp. Ruộng bậc thang được cấu tạo công phu bằng công sức của người dân bao đời. Đôi chỗ có chiếc cầu bắc ngang qua suối, ẩn hiện trong làn sương mờ nên thơ. Trong các ngôi nhà đều thấy hình ảnh những phụ nữ đồng bào với trang phục truyền thống rất đẹp mắt.

Đến với Sa Pa, chúng tôi không say vì rượu, vì độ cao của núi mà lại say trước cảnh sương mờ quấn quýt trên đỉnh núi, những cung đường uốn lượn, những mảnh khăn, chiếc váy xòe đủ màu của đồng bào vùng cao. Và tất nhiên, cả tinh thần hiếu khách của người dân nơi đây luôn để lại ấn tượng cho bất cứ ai đã và thêm một lần nữa đến thăm.                 

 Thanh Thủy

  • Từ khóa
89013

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu