Thứ 6, 19/04/2024 14:37:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:59, 03/03/2016 GMT+7

Rừng và vườn quốc gia trước nguy cơ du lịch hóa

Thứ 5, 03/03/2016 | 09:59:00 281 lượt xem
BPO - Cách đây hơn 20 năm, tình trạng xâm hại, chiếm dụng đất và rừng tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn không căng thẳng như bây giờ. Còn hiện nay, văn bản quản lý không thiếu nhưng lại có sự chồng chéo và thiếu trách nhiệm giữa Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT...


Resort Le Mont Ba Vi xây dựng và hoạt động nhiều năm giữa Vườn quốc gia Ba Vì nhưng đến nay cơ quan chức năng mới biết

Chồng chéo quản lý

Tại buổi tọa đàm về hiện trạng các vườn quốc gia và khu bảo tồn Việt Nam trước sức ép phát triển do Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) tổ chức ngày 2-3 tại Hà Nội, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về quản lý rừng và đa dạng sinh học đều cùng cho rằng, tình trạng xâm hại đất rừng, đe dọa đa dạng sinh học và chức năng điều hòa môi trường sinh thái của rừng ngày càng nóng bỏng. “Vụ việc xây dựng resort ở Vườn quốc gia Ba Vì không phải là trường hợp đầu tiên mà chỉ lần đầu tiên được bung ra, còn trên thực tế đã và đang xảy ra ở nhiều khu bảo tồn và vườn quốc gia khác trong cả nước” - TS Nguyễn Ngọc Lung thuộc Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng chia sẻ như vậy. 

Dẫn lại vụ việc xây dựng resort Le Mont Ba Vi tại Vườn quốc gia Ba Vì đang được dư luận quan tâm bức xúc, TS Nguyễn Cử, chuyên gia quy hoạch bảo tồn thiên nhiên cho biết, không thể có chuyện một công trình lớn mọc lên giữa vườn quốc gia mà lại không biết. Bởi vườn quốc gia và rừng đã được giao cho lực lượng kiểm lâm chịu trách nhiệm quản lý, mỗi trạm phụ trách riêng một khu vực, hàng ngày đều tổ chức tuần tra theo quy trình, soi chiếu bản đồ thực địa, cập nhật mọi tình hình biến động...


Resort Le Mont Ba Vi xây dựng lồ lộ giữa Vườn quốc gia Ba Vì để làm du lịch nhưng đến nay cơ quan chức năng mới biết

Theo TS Nguyễn Cử, nguyên nhân dẫn đến những bất cập xảy ra không chỉ tại Vườn quốc gia Ba Vì mà ở hàng loạt khu bảo tồn trong thời gian qua như tại York Đôn (Kon Tum), Sơn Trà (Đà Nẵng), Cát Tiên (Lâm Đồng)... là do hiện nay đang có sự chồng chéo về trách nhiệm quản lý giữa Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT. “Giữa hai bộ không phối hợp với nhau, mỗi bên làm theo một hướng. Đồng thời cũng không xác định được rõ mục đích của các vườn quốc gia và khu bảo tồn là vì đa dạng sinh học (bảo tồn nguồn gen) và môi trường sinh thái hay làm kinh tế. Do đó, bảo tồn chỉ trên giấy thôi” - TS Nguyễn Cử bày tỏ. 

Các vườn quốc gia được phép làm du lịch?

Từ trường hợp vi phạm nghiêm trọng tại Vườn quốc gia Ba Vì, cụ thể là việc lãnh đạo vườn tự tiện liên kết với doanh nghiệp để xây dựng khu resort và kinh doanh du lịch, câu hỏi được nhiều người nêu ra tại cuộc tọa đàm là các vườn quốc gia và khu bảo tồn có được khai thác du lịch?

Ông Hứa Đức Nhị, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, theo quy định tại Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng thì vẫn cho phép quy hoạch phân khu trong vườn quốc gia và khu bảo tồn phục vụ hoạt động du lịch sinh thái. Nhưng theo TS Nguyễn Cử, mỗi khu bảo tồn và vườn quốc gia gồm có vùng đệm (bên ngoài) và vùng lõi. Trong vùng lõi được quy hoạch gồm một hoặc nhiều khu bảo tồn nghiêm ngặt (cấm xâm phạm), khu chức năng hành chính (trụ sở quản lý) và khu phục hồi sinh thái (có thể đầu tư khai thác kinh doanh du lịch theo hình thức xã hội hóa). Song diện tích khai thác kinh doanh du lịch tối đa chỉ được phép bằng hoặc dưới 20% tổng diện tích khu phục hồi sinh thái. 

Tuy nhiên điều mà ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm con người và thiên nhiên băn khoăn là liệu việc cho phép các vườn quốc gia và khu bảo tồn được phép quy hoạch khai thác kinh doanh du lịch có gây những hệ lụy và xâm hại mục tiêu bảo vệ rừng, đa dạng sinh học (động vật hoang dã) và môi trường sinh thái. Tệ hơn là trước xu thế “du lịch hóa” các vườn quốc gia, khu bảo tồn thông qua hình thức liên kết hoặc cho phép quy hoạch làm du lịch là kẽ hở để “tư nhân hóa” sở hữu đất công, chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất rừng thành các dự án bất động sản. Đặc biệt, cần phải làm rõ khái niệm “du lịch sinh thái” không phải là việc cho phép đầu tư làm đường giao thông, xây dựng resort, bể bơi, biệt thự, làm thảm cỏ nhân tạo... trong vùng lõi vườn quốc gia như hiện nay. Các chuyên gia cũng thống nhất đề nghị, để việc quản lý thực sự hiệu quả, cần quy trách nhiệm về một đầu mối thuộc cơ quan hay bộ nào, tránh chồng chéo và phải xác định rõ chức năng của khu bảo tồn, vườn quốc gia là để đảm bảo đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường hay mục đích kinh tế (làm du lịch, khai thác gỗ)... 

Hiện cả nước đang có 164 vườn quốc gia và khu bảo tồn với tổng diện tích được quy hoạch là 2,2 triệu ha. Trong đó, có 6 vườn quốc gia gồm Tam Đảo, Ba Vì, Cúc Phương, Bạch Mã, York Đôn và Cát Tiên thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ NN-PTNT, còn lại đã phân cấp cho các tỉnh.

 Hệ lụy từ du lịch hóa

TS Vũ Ngọc Thành thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ nỗi lo lắng và bức xúc về trường hợp Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Đà Nẵng) hiện là nơi đang bảo tồn loài voọc chà vá quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Trước, tổng diện tích là hơn 4.000ha nhưng do tốc độ đô thị hóa, du lịch hóa... nay chỉ còn lại 2.000ha (trong đó chỉ 1.000ha còn rừng). Cũng tại khu vực 1.000ha, hiện nay Công ty TNHH Thương mại và du lịch Cát Tiên Sa đã có dự án xây khu resort rộng 142ha (với hàng loạt dự án lớn, tòa nhà cao 40 tầng), được ký cách đây 10 năm nhưng hiện vẫn chưa hề có đánh giá tác động môi trường. Trên diện tích 142ha xây dựng resort là nơi sinh sống của 7 đàn chà vá với 100 cá thể (bằng 1/3 tổng số cá thể tại khu bảo tồn).

Ngoài ra, khoảng 200ha ở phía biển bán đảo Sơn Trà là nguồn thức ăn (gồm 200 loài) của voọc chà vá hiện cũng được quy hoạch làm khách sạn và resort. “Rồi không hiểu chúng (voọc chà vá) đi đâu về đâu? Đây là sai sót về quy hoạch” - TS Vũ Ngọc Thành lo lắng.

Nguồn SGGP

  • Từ khóa
89793

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu