Thứ 5, 25/04/2024 09:01:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:52, 03/10/2014 GMT+7

Rừng thiêng lên tiếng

Thứ 6, 03/10/2014 | 09:52:00 249 lượt xem
BP - Trên đường đi hái rau rừng về, Điểu Von ghé vào Tuc rup kmooch (nghĩa địa của người Xêtiêng) ở sóc Bụi Tre, thôn Sơn Thành, xã Phú Sơn (Bù Đăng) thăm ngôi mộ của cậu vừa mất 2 tháng trước. Tố rồng - vật dụng quý nhất của cậu Điểu Von được mang theo để làm tài sản khi về bên kia thế giới. Người Xêtiêng gọi đây là tục chia của cho người đã mất.

Người Xêtiêng hôm nay phải đập vụn tố, ché khi an táng theo người chết để đối phó với nạn mất trộm

 
Tuc rup kmooch hay còn gọi là rừng ma, rừng thiêng, bao giờ cũng nằm ở giữa rừng già, cách sóc chừng một xà gạt (cách đo đường của người Xêtiêng, tương đương 1km). Vùng Phú Sơn, Thọ Sơn đang trong mùa mưa nên đường vào các thôn, sóc thêm lầy lội. Những Tuc rup kmooch càng thêm lẻ loi, cô quạnh, tạo nên cảm giác rờn rợn. Tôi tự khuyên mình cứ vào khi còn có thể, miễn đừng để trở thành “công dân” của Tuc rup kmooch là được...

Tuổi của rừng thiêng

Rừng ma của sóc Bụi Tre hiện ra trước mắt tôi. Lẫn giữa mảnh tàn của rừng già là những ngôi mộ. La liệt những nồi xoong, chén bát, quần áo và cả rổ rá, gùi nỏ, tố, ché đã sứt mẻ vỡ vụn bao quanh các nấm mộ cũ lẫn mới. Đó là của cải thuộc quyền sở hữu của người chết, được chính người thân của họ chia phần một cách sòng phẳng theo phong tục chia của để người chết mang về bên kia thế giới sử dụng. Ngay cả cây cỏ trong rừng ma cũng thuộc về người chết, không ai được đến lấy. Tuc rup kmooch của sóc Bụi Tre rộng chừng 1 ha, nhưng không ai thống kê được số ngôi mộ và cũng không thống kê được bao nhiêu gùi, tố, ché, xà lung có tại đây. Nhìn vô số những ngôi mộ rêu phong, nghiêng ngửa không hàng lối cũng đủ để đoán rằng có một tập tục mai táng chung ở mảnh rừng này. Mỗi thôn, sóc đều có một rừng thiêng riêng để chôn cất người chết theo dòng tộc hoặc cùng một sóc.

Tố rồng vừa được an táng theo cậu của Điểu Von ở rừng ma thôn Sơn Thành, xã Phú Sơn

 
Già làng Điểu Don ở sóc Bù Dố, thôn Sơn Thọ, xã Thọ Sơn cho biết, người Xêtiêng trước kia sống theo phong tục du canh, du cư. Cho dù có đi đâu, chuyển sóc đến nơi nào cũng phải lấy rừng ma làm chuẩn. Có nghĩa rừng ma là nơi bất di, bất dịch, tiếp nối từ đời này sang đời khác. Chủ tịch Hội đồng già làng xã Thọ Sơn - ông Điểu Bron, thời trai trẻ lỡ dại chặt 2 cây trong rừng ma về làm nhà liền bị già làng phạt một con trâu.

Hỏi về Tuc rup kmooch hình thành từ khi nào, có khác gì hỏi người Xêtiêng có từ khi nào. Các già làng Điểu Don, Điểu Bron hay già làng Điểu Sanh, ngụ thôn Sơn Thành, xã Phú Sơn đều khẳng định rằng, bao đời nay người dân trong sóc làm theo những gì tổ tiên đã làm. Theo quan điểm của người Xêtiêng, việc chia của cho người đã mất là tạo điều kiện cho họ về thế giới bên kia có cái để làm ăn. An táng xong, người sống còn chặt 7 khúc cây rừng gác qua đường về nhà để tuyệt giao với người đã mất. Linh hồn người chết không được về nhà, nếu trở về là mang tai họa cho làng. Người thân yêu trong gia đình thành ma chỉ hạnh phúc khi về với rừng. Ma phải đi theo tổ tiên, về với Yàng (trời), với rừng. Ở đó có những cây rừng linh thiêng cho linh hồn trú ngụ. Vì thế, khi chọn đất để làm Tuc rup kmooch, già làng chọn rất cẩn thận. Ở đó phải có các loài cây quý, cao to; có sông, suối, đá để linh hồn tắm gội. Đó cũng là trách nhiệm, đạo đức, tình thương của người sống dành cho người đã mất.

Chủ tịch Hội đồng già làng xã Thọ Sơn cũng như bao già làng khác đều cho biết, quan niệm của người Xêtiêng là người sống hay người chết luôn bình đẳng nhau. Lúc sống, mọi người cùng làm ra của cải thì khi mất đi, của cải đó phải được chia đều. Không làm như vậy người chết sẽ tủi thân, người sống cũng không vui. Vì thế, tố rồng duy nhất còn sót lại của sóc Bụi Tre cũng được gia đình bà ngoại Điểu Von an táng theo người cậu mới mất.

Nhà ma... bị mất trộm

Cả sóc Bù Dố ở thôn Sơn Thọ hay Sơn Hiệp, Sơn Tùng (xã Thọ Sơn) hoặc sóc Bụi Tre, các thôn Sơn Thành, Sơn Lang (xã Phú Sơn) bây giờ tìm được một tố xà lung rất khó. Ông Điểu Đnú ở sóc Bù Dố đã nhiều năm tìm mua ché, xà lung hoặc một tố trắng để cưới vợ cho con vẫn chưa được. Vì phần lớn tố, ché, xà lung quý giá đã chia cho người chết...

Trước khi chia, người sống phải đục thủng đáy để tố, ché, xà lung mãi trở thành tài sản của người đã mất. Thế nhưng hầu hết các Tuc rup kmooch hiện không còn những tài sản này. Dù đã được đục thủng đáy nhưng kẻ gian vẫn tìm cách lấy cắp, chắp vá để bán kiếm lợi.

Ngoại trừ chiếc tố rồng vừa an táng theo cậu của Điểu Von ở thôn Sơn Thành, các Tuc rup kmooch nơi tôi tìm hiểu ở các thôn sóc của 2 xã Thọ Sơn, Phú Sơn không còn thấy bóng dáng của những xà lung cổ. Ai cũng chắc chắn một điều rằng, người Xêtiêng sẽ không dám làm chuyện động đến Yàng, đến tổ tiên... Đây là vấn đề rất đáng để các nhà quản lý văn hóa, hội đồng già làng và chính quyền địa phương suy nghĩ, để những báu vật của đồng bào Xêtiêng phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng.         

Đông Kiểm

  • Từ khóa
92495

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu