Thứ 7, 20/04/2024 11:42:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:12, 10/12/2017 GMT+7

Rạng danh tổ tông

Chủ nhật, 10/12/2017 | 08:12:00 601 lượt xem

BP - Theo sách “Hoàng thúc Lý Long Tường”, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản tháng 5-2010, hoàng tử Lý Long Tường sinh năm 1174 - Giáp Ngọ, là con thứ 7 của vua Lý Anh Tông và Hiền phi Lê Mỹ Nga. Ông được ban chức Thái sư Thượng trụ quốc, Khai phủ nghị đồng tam tư, Thượng thư tả bộc xạ, lĩnh đại đô đốc hải quân, tước Kiến Bình vương. Năm 1225, Trần Thủ Độ lật đổ nhà Lý bằng cách đưa cháu là Trần Cảnh vào hầu và sau lấy Lý Chiêu Hoàng, rồi để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh lập ra nhà Trần.

Minh họa: S.H

Sau đó, Trần Thủ Độ tàn sát con cháu nhà Lý, buộc đổi qua họ Nguyễn và đày đi lên vùng núi non hiểm trở phía bắc. Năm 1226, để bảo toàn tính mạng và lo việc thờ cúng tổ tiên, Lý Long Tường đã bí mật về Kinh Bắc vái lạy tạ ơn tổ tiên ở lăng miếu Đình Bảng, rồi tới Thái miếu thu gom các bài vị, các đồ tế khí và trở lại Đồ Sơn cùng 6.000 gia thuộc qua cửa Thần Phù, Thanh Hóa chạy ra biển Đông trên 3 hạm đội. Vì các mối hiềm khích giữa nhà Lý với Chămpa và nhà Tống nên Lý Long Tường đã dong thuyền hướng về phía đông bắc. Sau 1 tháng lênh đênh trên biển, đoàn thuyền gặp bão lớn phải ghé vào đảo Đài Loan. Khi Lý Long Tường quyết định lên đường thì con trai là Lý Long Hiền ốm nặng nên phải ở lại cùng 200 gia thuộc. Trên đường đi tiếp, đoàn thuyền bị bão dạt vào Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển phía tây Cao Ly.

 Tương truyền rằng, trước đó vua Cao Tông của Cao Ly nằm mơ thấy một con chim cực lớn bay từ phương Nam lên, vì vậy ông lệnh cho chính quyền địa phương tiếp đón ân cần và đồng ý cho Lý Long Tường ở lại dung thân. Tại đây, Lý Long Tường cùng tướng sĩ, gia thuộc trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi. Ông cho mở Độc thư đường dạy văn (thi phú, lễ nhạc, tế tự) và Giảng võ đường dạy võ (binh pháp, võ thuật). Học trò theo học rất đông, lúc nào cũng trên ngàn người.

Năm 1225, dưới triều vua Cao Tông - vị vua thứ 23 của nhà Cao Ly, đế quốc Mông Cổ gửi sứ giả đến Cao Ly yêu cầu cống nộp, nhưng vua Cao Ly từ chối, đồng thời giết chết sứ giả của Mông Cổ là Trứ Cốc Dư. Năm 1232, Đại hãn Oa Khoát Đài đem quân tiến đánh Cao Ly bằng 2 đường thủy - bộ. Về đường thủy, quân Nguyên - Mông vượt biển tiến đánh tỉnh Hoàng Hải nhưng bị Lý Long Tường lãnh đạo tướng sĩ, gia thuộc và quân dân địa phương đẩy lui. Khi ra trận, ông thường cưỡi ngựa trắng đôn đốc quân sĩ, vì vậy nhân dân gọi ông là Bạch Mã Tướng quân.

Năm 1253, Đại hãn Mông Ca lại đem quân đánh Cao Ly lần thứ 2. Quân Nguyên - Mông do Đường Cơ chỉ huy tấn công Hoàng Hải cả đường thủy lẫn đường bộ. Sau đó, chúng chiếm được thành phố Kaesong khiến vua Cao Tông của Cao Ly phải chạy ra đảo Kanghwa. Trước tình hình ngày càng nguy kịch, nhà vua Cao Ly đã yêu cầu Lý Long Tường ra giúp sức. Nhờ có những kinh nghiệm chiến đấu khi còn ở quê nhà nên Lý Long Tường đã cho đắp thành lũy kiên cố, luyện tập binh sĩ thuần thục. Sau 5 tháng vây thành không có kết quả, quân Nguyên - Mông bị bệnh chết đến 1/3. Sau đó, chúng bèn áp dụng kế trá hàng, cho gửi sang phía Cao Ly 5 “rương vàng” để tỏ ý cầu hòa nhưng trên thực tế trong đó là những thích khách có vũ trang để ám sát các vua Cao Ly.

Biết trước ý đồ của địch, Lý Long Tường cho đổ nước sôi vào kẽ rương rồi sai người mang trả lại cho quân Nguyên - Mông. Khi mở rương, quân xâm lược vô cùng khiếp đảm khi thấy các thích khách của mình bị chết thảm. Dùng vũ lực cũng như mưu kế đều không được, quân Nguyên - Mông đành rút quân trở về nước và trên đường về đã bị quân Cao Ly phục kích đánh tan tác. Sau chiến công hiển hách, Lý Long Tường được vua Cao Ly trọng thưởng, cấp cho thái ấp để con cháu đời sau có nơi sinh cơ lập nghiệp. Vì ở Việt Nam có núi Hoa Sơn nên vua đã cho đổi tên Châu Sơn thành Hoa Sơn và phong tước cho Lý công làm Hoa Sơn quân. Dân trong vùng còn tôn thờ ông làm tổ và dựng lên một chiếc cổng lớn gọi là Thụ hàng môn để khắc ghi công tích và ca ngợi công lao vĩ đại của ông khi đánh đuổi quân Nguyên - Mông.

Lời bàn:

Theo sử cũ, lớn lên khi triều Lý suy vong, triều Trần dần thay thế, Lý Long Tường đã cùng tôn thất nhà Lý vượt biển sang Cao Ly (nay là Triều Tiên và Hàn Quốc) lánh nạn truy sát. Được vua Cao Ly ưu ái phong tước hiệu, thực ấp, khi 80 tuổi Lý Long Tường vẫn cùng nhân dân Cao Ly đánh bại 2 cuộc xâm lăng của Mông Cổ. Từ đây, dòng họ Lý Hoa Sơn phát tích nhưng vẫn tưởng vọng về nơi chôn nhau cắt rốn ở Việt Nam. Và cây có cội, nước có nguồn. Dù được vua Cao Tông trọng thị, lập chiến công hiển hách nhưng Lý Long Tường vẫn không nguôi nỗi nhớ quê cha đất tổ. Dù trải qua mấy trăm năm, các hậu duệ họ Lý ly hương vẫn tìm về quê cha đất tổ.

Năm 1994, ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ và là hậu duệ đời thứ 26 của Lý Long Tường, qua Việt Nam, tìm đến từ đường họ Lý ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để bái tổ tiên. Ông đã ghi lại dòng chữ trong sổ lưu niệm tại đền Lý Bát Đế, như sau: “Cháu chắt xin thề nguyện không làm điều gì tổn thương đến vong linh tổ tiên bằng cả tinh thần và sứ mệnh đặc biệt”. Đây là điều mà người Việt Nam đương thời cũng như hậu thế cần suy ngẫm để sống sao cho xứng với tổ tiên mình.

N.D

  • Từ khóa
109993

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu