Thứ 3, 23/04/2024 18:35:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:15, 26/11/2014 GMT+7

Hưng Phước:

Rác ngập bãi, lò tái chế bỏ hoang

Thứ 4, 26/11/2014 | 06:15:00 340 lượt xem
BP - Xã Hưng Phước vừa có cơ sở tái chế rác thải vừa có bãi rác tập trung của huyện Bù Đốp. Trong khi doanh nghiệp vẫn phải thu mua rác từ khắp nơi trong tỉnh về chế biến và bỏ không lò ủ chế biến phân vi sinh, thì bãi rác ngày càng đầy lên, gây ô nhiễm môi trường.

Ở thị xã, thị trấn, muốn tìm một cơ sở tái chế rác thải đã khó, vậy mà giữa vùng quê heo hút của huyện nghèo biên giới Bù Đốp có một nhà xưởng tái chế nhựa. Nhà xưởng có công suất 300 tấn/năm (tương đương 500 tấn rác thô) là bước đầu tư mạnh dạn của ông Nguyễn Văn Vinh ở ấp 3 (xã Hưng Phước).

ĐÃ THÀNH CÔNG

Hiện cơ sở đang tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Do quy mô sản xuất nhỏ, trong khi lượng hàng tiêu thụ lớn nên cơ sở phải hoạt động bình quân 20 giờ/ngày và công nhân phải chia nhau làm theo ca mới kịp giao hàng. Ông Vinh cho biết: Hiện cơ sở đang phải thu gom bịch ni-lon, bao bì phân bón... ở các huyện, thị về mới đáp ứng nhu cầu sản xuất. Nếu điều kiện thuận lợi, thời gian tới tôi sẽ mở rộng hoạt động với quy mô lớn hơn.

Mỗi ngày, xe của ông Nguyễn Văn Đa đưa về bãi rác tập trung của huyện gần 10 tấn rác

Đang phân loại bịch ni-lon, bao bì phân bón, bà Trần Thị Thanh cho biết: “Vợ chồng tôi phụ trách khâu phân loại rác trước khi đem giặt để nấu nhựa thành phẩm. Mỗi ngày chỉ làm việc 8 giờ, nhưng tôi cũng có thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng”. Chị Trần Thị Bình ở ấp 3 vừa kiếm phế liệu trong bãi rác tập trung của huyện (cách không xa cơ sở tái chế rác) vừa cho biết: Do không làm được việc nặng nên hàng ngày tôi vào bãi rác lượm bịch ni-lon bán cho cơ sở, mỗi ngày kiếm được 100 ngàn đồng.

Ông Nguyễn Văn Vinh chia sẻ: Thời điểm cơ sở mới mở, tôi đã nhận thấy việc tận dụng rác thải hữu cơ chế biến thành phân vi sinh cũng đem lại nguồn lợi không nhỏ, góp phần bảo vệ môi trường, nhưng đòi hỏi phải có vốn lớn. Bởi ngoài việc thuê nhân công phân loại rác, chế biến, đóng gói sản phẩm thì việc giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng cũng rất quan trọng. Năm 2012, được Hội nông dân huyện hỗ trợ, tôi rất mừng vì ý tưởng của mình sắp thành công và cho xây lò ủ theo bản vẽ hội cung cấp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay dự án cũng chỉ dừng lại ở việc xây lò ủ.

NHƯNG CẦN CÓ SỰ CHUNG TAY

Ông Nguyễn Văn Đa, ở ấp 2, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) cho hay: “Tôi đang hợp đồng với huyện thu gom rác từ các chợ và những hộ có nhu cầu ở thị trấn Thanh Bình, các xã Thiện Hưng, Hưng Phước, Phước Thiện đưa về bãi rác tập trung. Mỗi ngày, chúng tôi đưa về khoảng 10 tấn rác các loại”. Là thợ bốc rác, ông Ngô Quốc Trị nói: “Rác ở đây phần lớn là bịch ni-lon, bao bì đóng gói các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp và phụ phẩm từ động, thực vật. Ngoài các chất thải rắn, nếu tận dụng được nguồn rác hữu cơ làm phân vi sinh sẽ rất tốt vì nó vừa phục vụ sản xuất vừa góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường. Rác hữu cơ trong quá trình phân hủy không chỉ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước mà ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Tôi mới theo xe một thời gian ngắn đã thấy sức khỏe giảm sút nhanh, nhưng vì cuộc sống nên phải chấp nhận.

Lò ủ rác cơ sở của ông Vinh xây xong đã hơn 2 năm nhưng vẫn bỏ không vì thiếu rác phế liệu

 
Ông Trần Văn Thành, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Đốp cho biết: Ngay sau khi có chương trình phối hợp, hội đã vận động nông dân các xã thành lập tổ thu gom rác và tập huấn cho hơn 100 hội viên nòng cốt về quy trình phân loại, tập kết rác để xe đến thu gom. Do nguồn vốn hạn hẹp lại rơi vào thời điểm khủng hoảng kinh tế nên cơ sở không trang bị được phương tiện, máy móc để duy trì hoạt động. Hội cũng đã kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ cơ sở hoàn thành dự án nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể.

Ông Vinh chia sẻ: Nếu huyện xây dựng được dự án thu gom rác thải (đầu tư mua xe chở rác chuyên dụng, thùng chứa rác, vị trí tập kết rác...), cơ sở của tôi sẽ phối hợp thực hiện khâu phân loại rác và đưa đi xử lý, tái chế. Nhưng muốn thành hiện thực, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng để tiếp cận vốn ngân hàng; mở rộng mặt bằng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị... Hy vọng, với mô hình sản xuất mang ý nghĩa thiết thực này, huyện Bù Đốp và các ngành chức năng sớm xem xét, tạo điều kiện để cơ sở mở rộng sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho người dân và bảo vệ môi trường vùng biên.

 Lâm Phương

  • Từ khóa
92517

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu