Thứ 7, 20/04/2024 03:57:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 13:27, 13/05/2015 GMT+7

Dấu ấn văn hóa Huế trên đất Bình Phước

Thứ 4, 13/05/2015 | 13:27:00 463 lượt xem
BP - Người Huế, hay nói đúng hơn là người dân Thừa Thiên - Huế bắt đầu đến Bình Phước lập nghiệp vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, XIX . Họ là những nông dân nghèo, mất đất canh tác vì không chịu nổi sưu thuế nặng nề của triều đình. Tiếp theo là những đợt di cư sau đổi mới (1986) theo phong trào đi xây dựng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước. Cuối cùng là tầng lớp tri thức đến từ các trường đại học sau khi tốt nghiệp với nhiều ngành nghề, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Người Huế đã và đang để lại dấu ấn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế ở vùng đất này.

Dấu ấn tín ngưỡng

Hầu hết các chùa trên địa bàn tỉnh xây dựng nhiều năm trở lại đây đều mang văn hóa Huế rõ nét. Các ngôi chùa thường có lối cấu trúc theo kiểu chữ Nhất, chữ Đinh, chữ Công, chữ  Khẩu... Trong đó, kiểu kiến trúc chữ Khẩu là phổ biến và ấn định rất nhiều đặc trưng. Chùa gồm 2 khu vực là chính điện dùng làm nơi thờ tự và nơi dùng cho sinh hoạt, nghỉ ngơi của tăng, ni “Tiền Phật điện, hậu tổ linh”.

Anh Nguyễn Văn Hòa, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài - người có nhiều năm xây dựng chùa ở Bình Phước cho biết: Các ngôi chùa ở Bình Phước hiện thường để lại dấu ấn kiến trúc Huế trong quá trình xây dựng, trong đó bộ mái thường phân ra thành 2 tầng, để tránh sự nặng nề của một tòa chính điện, đồng thời tạo ra ảo giác chiều cao cho tòa chính điện. Trên nóc chùa là hình tượng lưỡng long chầu bánh xe luân hồi, mềm mại, uyển chuyển như đang vờn gió, tung mây đem lại nét thanh thoát cho kiến trúc vốn nguy nga, tráng lệ.

Ẩm thực tạo dấu ấn riêng đang là niềm tự hào của người Huế trên đất Bình Phước

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, chính giữa thờ tượng đức Phật Bổn Sư ngự trên tòa Sen, tay bắt ấn Tam muội, xung quanh tường bên trong chính điện là hệ thống các bức tranh trạm nổi kể về sự tích đức Phật Thích Ca được bố trí hài hòa, cùng với lối thiết kế hòa hợp giữa không gian bên trong và bên ngoài tạo cho mọi người cảm giác lạc vào một tòa lâu đài vừa cổ kính vừa hiện đại.

Tiêu biểu đặc trưng của kiến trúc mang nét tín ngưỡng của người Huế tại các ngôi chùa ở Bình Phước như: Quang Minh, Linh Thông (Lộc Ninh); chùa Linh Thứu (Bình Long); Quang Minh (Đồng Xoài); Thanh Long (Đồng  Phú), chùa Đức Bổn A La Nhã (Bù Đăng).

Dấu ấn ẩm thực

Tinh tế từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến đến trang trí, ẩm thực của người Huế từ lâu đã trở thành nét văn hóa riêng đặc sắc của người Huế sinh sống trên đất Bình Phước. Những món ăn đều chiều lòng người dù khó tính nhất, làm cho ai đó một lần nếm qua cũng phải khen ngợi để rồi lưu luyến mãi.

Nói đến ẩm thực Huế trên đất Bình Phước phải kể đến vô số loại bánh. Mỗi loại bánh có cách làm và mang ý nghĩa riêng đòi hỏi người ăn phải thưởng thức bằng 5 giác quan mới cảm nhận hết sự tinh túy của ẩm thực lẫn con người Huế. Nhiều người thưởng thức và phù hợp với mọi lứa tuổi là bánh bột lọc nhân tôm, chỉ cần cắn nửa miếng bánh đã cảm nhận được độ dai dai, sừn sựt của bột lọc, vị ngọt của tôm tươi, vị béo ngậy của thịt ba rọi... Ngoài bánh của người Huế, bún bò là món ăn phổ biến nhất, có mặt ở hầu khắp các ngõ ngách, con đường nơi có người Huế sinh sống.

Theo chỉ dẫn của nhiều người bạn Huế, tôi tìm đến quán bún bò Út Hồng, trên đường Lê Quý Đôn, phường Tân Xuân (Đồng Xoài). Những người “sành ăn” món bún bò Huế vẫn thường tìm đến đây để thưởng thức. Chị Út Hồng chia sẻ: “Gia đình tôi bán ở đây đã được hơn 10 năm, khởi nghiệp chỉ là chiếc xe bán hàng rong. Một tô bún bò Huế ngon đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn, có nhiều thành phần như: bò gân, bò tái, món giò, chả... nước dùng phải đậm đà, có vị ngọt thanh và cay, rau sống ăn kèm phải đầy đủ các loại rau như bắp chuối, húng quế, giá, cải mầm... dĩ nhiên là không thể thiếu hũ ớt ngâm và ớt sa tế”.

Trong những ngày hè nóng bức ở Bình Phước mà thưởng thức món chè của người Huế thì thật là sảng khoái, mát mẻ và rất phong phú như: khoai môn, trôi nước, kê, khoai sọ, đậu xanh, đậu đỏ, thập cẩm... dọc các tuyến đường Điểu Ong, Phú Riềng Đỏ, Lê Quý Đôn, Hùng Vương (Đồng Xoài) là điều không thể bỏ qua. Trải qua thời gian sinh sống ở Bình Phước, người Huế đang dần để lại những dấu ấn, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như phát huy giá trị văn hóa của vùng đất cố đô. Tất cả đã trở thành niềm tự hào của người Huế - một niềm tự hào chính đáng với thông điệp xây dựng và phát triển trên vùng đất mới, dù ở bất cứ nơi đâu thì dấu ấn văn hóa Huế không thể lẫn.

Đình Tâm

  • Từ khóa
91176

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu