Thứ 3, 23/04/2024 18:15:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:30, 25/07/2019 GMT+7

Quyết làm cho được chính phủ điện tử

Thứ 5, 25/07/2019 | 08:30:00 221 lượt xem

BP - Tại hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử với các ban chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương sáng 23-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “quyết làm cho được chính phủ điện tử”.

Từ những năm 2000, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc đổi mới, tạo khả năng đi tắt, đón đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, với quan điểm: “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp...”. Nghị quyết đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 triển khai hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, năm 2015, Chính phủ đã có nghị quyết đầu tiên tập trung về chính phủ điện tử nhằm đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; qua đó công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

2019 được xác định là năm đột phá xây dựng chính phủ điện tử ở cấp quốc gia. Với Bình Phước, 2019 cũng là năm bản lề triển khai các chương trình chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Trong buổi làm việc với đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm trưởng đoàn ngày 15-7, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi khẳng định: “Không còn chính quyền nào tốt hơn chính quyền điện tử để xây dựng một chính quyền phục vụ dân, do dân, vì dân. Bình Phước sẽ cố gắng hết mức để góp phần vào xây dựng quốc gia chính phủ điện tử”.

Ở tầm vĩ mô và lãnh đạo cấp cao đã có những bước tiến rất mạnh mẽ trong triển khai thực hiện chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Thế nhưng thực tế tổng quan có thể thấy việc triển khai chính phủ điện tử, chính quyền điện tử chưa đạt được như mong muốn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực trạng đó là do nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đơn vị chưa xác định rõ lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể để triển khai, thiếu gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt là chưa mạnh mẽ, quyết liệt trong đổi mới lề lối, phương thức làm việc, nhất là trong quan hệ giữa cán bộ, bộ máy với người dân, doanh nghiệp. Cũng vì lẽ đó, tại hội nghị trực tuyến sáng 23-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “Quyết làm cho được chính phủ điện tử... Chính phủ điện tử là vấn đề mới, khó nhưng nếu không có quyết tâm, không dỡ bỏ nếp cũ thì khó thành công. Vì thế không bàn lùi, không vì khó khăn về tài chính, về kết nối, chia sẻ... mà không triển khai mạnh mẽ”.

Chính phủ, chính quyền và người đứng đầu Chính phủ, chính quyền đã có quyết tâm cao như vậy. Vấn đề còn lại là cả bộ máy, từng cán bộ, công chức có đưa được quyết tâm đó vào thực tiễn hay không, truyền thông có làm tốt nhiệm vụ của mình và người dân tiếp nhận, tự trang bị những kỹ năng cần thiết như thế nào để thực hiện hay không mà thôi!

Hưng Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu