Thứ 5, 28/03/2024 21:09:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:28, 01/04/2015 GMT+7

Quyết định số 2912/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh: Cơ hội lớn cho người chăn nuôi cá

Thứ 4, 01/04/2015 | 10:28:00 155 lượt xem
BP - Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động - thương binh và xã hội, hiện có hơn 200 hộ Việt kiều Campuchia hồi hương, sống rải rác khu vực lòng hồ, sông suối trên địa bàn tỉnh. Đồng bào chủ yếu sinh sống bằng nghề chài lưới, nuôi cá ở khu vực lòng hồ thủy điện và dòng sông các huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, Phước Long, Bù Gia Mập. Với quyết định của UBND tỉnh phê duyệt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh, người dân sống bằng nghề cá nói chung và các hộ kiều bào Campuchia hồi hương nói riêng đang có cơ hội lớn để ổn định cuộc sống.


Anh Phú và người dân xã Minh Tâm đánh bắt thủy sản ở khu vực cầu Sài Gòn

Khu dân cư Bến Đỉa, xã Phước Minh (Bù Gia Mập) hiện là nơi sinh sống của 52 hộ kiều bào Campuchia hồi hương với 226 người. Đây là khu vực trọng yếu thuộc thượng du lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Người dân chủ yếu đi đánh cá, giăng câu, thả lưới trên lòng hồ Cần Đơn, thu nhập hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản tại đây. Gia đình ông Nguyễn Văn Kênh (55 tuổi) rời Campuchia về đây cư ngụ từ năm 2002. Cả gia đình mấy thế hệ cùng ở trên chiếc nhà bè di động, mặt sàn chính là nhà ở còn khu vực xung quanh dành nuôi cá.

Ông Kênh cho biết: Phương thức chăn nuôi, nguồn cá giống, cá thương phẩm đều do bà con tự tìm đối tác. Cách làm này may nhờ rủi chịu, gặp mùa thuận tiện, thu nhập cũng khá ổn. Nhưng nếu không may mua phải cá giống không tốt dễ bị bệnh hoặc rớt giá khi thu hoạch, người nuôi chỉ biết kêu trời.

Cũng theo ông Kênh, người dân mạnh ai nấy nuôi, thích cá gì thì nuôi cá đó chứ không hề biết đến khảo sát thị trường. Vì vậy, rất ít hộ thành công. Quyết định số 2912 ngày 31-12-2014 của UBND tỉnh phê duyệt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020 và việc thành lập các làng nghề chăn nuôi cá đang mở ra một cơ hội mới cho người dân ở đây.

“Nếu có hợp tác xã, có sự trợ giúp con giống, kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho cá, tụi tui không biết cảm ơn lãnh đạo tỉnh mấy lần cho đủ. Ở đây ai cũng có kinh nghiệm nuôi cá nhưng mình tự mần, rủi ro mình chịu. Bây giờ có hợp tác thì chắc chắn bà con tham gia, chỉ mong tỉnh quan tâm hỗ trợ cho ít vốn làm ăn. Bởi vì chúng tôi không có giấy tờ nên không được vay bất kỳ nguồn vốn nào” - ông Kênh nêu ý kiến.

Cũng từng gắn bó với nghề nuôi cá nhiều năm, anh Nguyễn Văn Phú, một trong những hộ khó khăn nhất của xóm Việt kiều ở chân cầu Sài Gòn, xã Minh Tâm (Hớn Quản) cũng phải từ bỏ nghề, chuyển sang đánh bắt thủy sản tự nhiên. Bất chấp những quy định của ngành chức năng, toàn bộ hộ dân ở đây đều sử dụng bình ắc-quy để chích cá... Sông sâu, nước chảy xiết, họ chẳng thể giăng lưới, đặt lờ, đặt đáy theo quy định, đành phải lén đánh bắt theo kiểu hủy diệt là chích điện - vớt được con nào hay con nấy.

Anh Phú thẳng thắn: “Biết là sai nhưng vì miếng ăn thì làm liều. Nuôi cá bè quá nhiều rủi ro, nếu mua phải giống kém, cá chết, cá bệnh, lúc nuôi thì bị ép giá tiêu thụ... Nuôi đơn lẻ thì trước sau người nông dân cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả. Do đó, tôi rất mong Nhà nước thành lập hợp tác xã, bà con tui không thiếu kinh nghiệm”.

Đây thật sự là hướng đi phù hợp vừa tạo điều kiện cho người nuôi cá phát huy sở trường vừa giải quyết việc làm cho những hộ kiều bào Campuchia hồi hương, đồng thời giúp khắc phục tình trạng phức tạp về nhiều mặt khi đồng bào sống lênh đênh trên sông nước, như gây ô nhiễm nguồn nước, hệ lụy cho môi sinh và nguồn lợi thủy sản, gây khó khăn cho chính quyền các cấp trong việc đảm bảo an sinh xã hội và giữ gìn trật tự xã hội.

Quyết định số 2912 của UBND tỉnh đề ra những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020, 100% các hồ chứa lớn được phục hồi, duy trì nguồn lợi thủy sản, nâng cao sản lượng; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản hồ chứa lớn đạt 1.400 tấn, trong đó khai thác tự nhiên 800 tấn, nuôi trồng 600 tấn; 100% các xã có ngư dân tập trung ven hồ chứa lớn đều thành lập được tổ nghề cá; nông dân được tập huấn kỹ thuật, nâng cao nhận thức về bảo tồn thủy sản với tổng kinh phí thực hiện trong 5 năm khoảng 5,6 tỷ đồng.

Hưng Cát

 

  • Từ khóa
38402

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu