Thứ 6, 19/04/2024 20:49:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:06, 25/03/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Quyền sở hữu các vật quyền khác

Thứ 4, 25/03/2015 | 06:06:00 2,780 lượt xem
BP - Tại đoạn 2, Khoản 1, Điều 266 của Bộ luật dân sự hiện hành có quy định như sau: Trong trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn cách phải dỡ bỏ.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên không ổn về mặt pháp lý. Bởi lẽ, ranh giới trên bất động sản là căn cứ để xác định giới hạn bất động sản của các chủ sở hữu bất động sản là đất đai có địa giới liền kề, nhưng nếu đây không phải là căn cứ xác định sở hữu chung hay riêng đối với vật chất xây trên mốc giới thì lấy gì làm căn cứ. Chưa hết, điều khó hiểu hơn nữa là ở quy định: “Nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn cách phải dỡ bỏ”. Và một khi cột mốc, hàng rào, tường ngăn cách hay vật làm ranh giới đã được tháo bỏ thì lấy gì làm căn cứ là ranh giới?

Vì vậy, tôi đề nghị ở đây cần phải xác định ý nghĩa pháp lý và ý nghĩa thực tế của quy định này. Và chế định địa dịch được quy định tại Chương 14, Mục I (gồm các điều từ 269 đến Điều 277) trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi đã làm sáng tỏ vấn đề này. Đây là những quy định về ranh giới giữa các bất động sản. Tại Điều 269 có khái niệm về địa dịch như sau: Địa dịch là một quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu địa dịch) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác (gọi là bất động sản hưởng địa dịch).

Và tại Điều 270 của dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi cũng đã quy định rõ hiệu lực của địa dịch như sau: Địa dịch được đăng ký có hiệu lực đối với tất cả mọi cá nhân, pháp nhân. Địa dịch không đăng ký chỉ phát sinh hiệu lực đối với hai chủ sở hữu bất động sản liên quan. Hai điều này có nội dung hoàn toàn mới so với Bộ luật dân sự hiện hành và theo tôi thì những nội dung này hoàn toàn phù hợp, đồng thời nó đã khắc phục được những bất cập trong Bộ luật dân sự năm 2005.

Về vấn đề bảo đảm an toàn trong xây dựng đối với bất động sản, tại Điều 268 trong Bộ luật Dân sự hiện hành có quy định như sau: Khi đào giếng, đào ao hoặc xây dựng các công trình dưới mặt đất, chủ sở hữu công trình phải đào, xây cách mốc giới một khoảng cách do pháp luật về xây dựng quy định. Trong trường hợp công trình có nguy cơ đe doạ sự an toàn bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ công trình phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục; nếu gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh thì phải bồi thường. Với nội dung trên, theo suy nghĩ của tôi thì đây là quy định đang gây khó cho việc thực thi pháp luật trong các lĩnh vực khác, cụ thể là đối với các đơn vị xây dựng hệ thống tàu điện trên cao hoặc tàu điện ngầm (Metro) thì giải quyết như thế nào?

Từ những phân tích trên, tôi mong rằng sẽ giúp các nhà soạn thảo luật có được các cách nhìn nhận nhiều chiều để có căn cứ hoàn thiện hơn nữa những quy định trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi về các chế định đối với quyền sở hữu và các vật quyền khác.

Phượng Như

  • Từ khóa
12749

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu