Thứ 7, 20/04/2024 09:55:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 09:17, 25/05/2013 GMT+7

Quyền cư trú và quyền có nơi ở

Thứ 7, 25/05/2013 | 09:17:00 116 lượt xem

* Trong Khoản 2, Điều 8 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: 2. Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ và chưa cụ thể nên chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức sẽ khó đạt được như nhân dân mong muốn. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã, đang ra sức vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân học, làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Thực tế cho thấy, việc học và làm theo Bác đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có sức lan tỏa nhanh và mang lại hiệu quả tích cực trong mọi lĩnh vực.

Từ lý do trên, tôi xin đề xuất ngay sau cụm từ “Cán bộ, công chức, viên chức phải” của Khoản 2, Điều 8 cần được bổ sung thêm nội dung “giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng, giản dị, suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Như vậy, Khoản 2, Điều 8 sẽ được viết lại như sau: 2. Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng, giản dị, suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

lĐiều 14 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nội dung giữ nguyên Điều 144 của Hiến pháp năm 1992, như sau: Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Theo tôi thì quy định như trên là chưa rõ ràng, chưa cụ thể và mang tính chất của văn nói chứ không phải ngôn ngữ trong văn bản pháp luật. Đồng thời, với danh từ “Hà Nội” thì rất chung chung, không thể hiện được tầm vóc của một thủ đô. Hơn nữa, đây là Hiến pháp, là đạo luật gốc nên cần được sử dụng ngôn ngữ viết cho chuẩn. Vì vậy, tôi đề xuất bổ sung thêm cụm từ “thành phố” vào ngay sau cụm từ “Việt Nam là”. Do đó, Điều 14 sẽ được viết lại như sau: Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành phố Hà Nội.

* Tại Điều 24 (giữ nguyên Điều 68 của Hiến pháp năm 1992) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là đúng, đầy đủ và đảm bảo được quyền cư trú, đi lại trong nước và quyền cũng như nhu cầu đi tham quan, học tập ở nước ngoài của công dân. Tuy nhiên, nếu nội dung của Điều 36 và 37 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có nội dung khác thì sẽ không có gì để bàn.

Điều 36 (sửa đổi, bổ sung Điều 62) có quy định như sau: 1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. 2. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để công dân có nơi ở. Còn trong Điều 37 (sửa đổi, bổ sung Điều 73) có hai khoản với nội dung như sau: 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở hợp pháp. 2. Không ai được tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định. Như vậy, giữa nội dung của Điều 24, Điều 36 và Điều 37 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có sự liên quan mật thiết với nhau, đồng thời ở ba điều này có những nội dung có thể bổ trợ cho nhau để làm rõ hơn về quyền cư trú và quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, ở nội dung của cả ba điều này lại chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền cư trú và quyền về chỗ ở hợp pháp của công dân. Chính vì vậy, tôi đề xuất nên gộp hai điều này lại và bổ sung thêm nội dung thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước để Hiến pháp được ngắn gọn hơn, dễ hiểu và dễ thực thi hơn.

Cụ thể, Điều 24 sẽ được viết lại như sau: 1. Công dân có quyền tự do đi lại ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật. 2. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để công dân có nơi ở. 3. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định. Lẽ dĩ nhiên là sau khi Điều 24 đã được chỉnh sửa, bổ sung nội dung trên, thì Điều 36 và 37 như trong dự thảo sẽ không còn nữa.

Như Nhất (TX. Đồng Xoài)

  • Từ khóa
108213

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu