Thứ 7, 20/04/2024 05:49:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 13:40, 17/12/2014 GMT+7

Quyền công dân được bảo đảm

Thứ 4, 17/12/2014 | 13:40:00 112 lượt xem
BP - Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã trình Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi để Quốc hội thảo luận và đóng góp ý kiến. Trước đó, dự thảo này cũng đã được Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo, công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành ở trung ương, địa phương và nhân dân trong cả nước. Đây là bộ luật quan trọng, có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và người dân. Chính vì vậy mà ngay sau khi được công bố, dự thảo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Điều mà đông đảo cử tri cũng như các vị đại biểu Quốc hội đồng tình và tâm đắc là trong dự thảo (cụ thể là từ Điều 2 đến Điều 9) đã quy định rõ 8 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam trong dự thảo. Đó là: Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền dân sự; bình đẳng; tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; thiện chí, trung thực; tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp; tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; chịu trách nhiệm dân sự; hòa giải.

Tuy nhiên, bên cạnh đó dư luận cũng còn không ít băn khoăn về quy định trong dự thảo luật liên quan đến cách tính lãi suất cho vay theo hợp đồng dân sự. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 489 trong dự thảo quy định như sau: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định ở khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Đa số ý kiến cho rằng lãi suất theo quy định trong dự thảo là quá cao và đề nghị nên giữ nguyên lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 50% lãi cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay như quy định tại Khoản 1, Điều 476 của Bộ luật Dân sự 2005.

Bên cạnh đó, những quy định liên quan đến tài sản và quyền sở hữu trong dự thảo luật đều cho thấy giới hạn đáng kể quyền sở hữu của chủ sở hữu ở nhiều góc độ khác nhau. Vì dự thảo đã đưa ra những quy định nghiêng về bảo vệ lợi ích về tài sản của chủ thể ngay tình trong trường hợp tài sản bị chuyển giao cho người thứ ba ngay tình hoặc người chiếm hữu ngay tình. Về lý, chủ sở hữu và người thứ ba đều không có lỗi cần được bảo vệ. Tuy nhiên trong dự thảo luật đã lựa chọn bảo vệ người thử ngay tình là chủ yếu, chủ sở hữu chỉ được đòi lại tài sản trong một số trường hợp rất hạn hữu.

Cụ thể là tại Khoản 2, Điều 199 trong dự thảo luật có quy định như sau: Trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản, thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó. Người nào có tranh chấp với người chiếm hữu thì phải chứng minh rằng người chiếm hữu không có quyền. Nếu quy định như trên thì có thể sẽ được hiểu theo hướng “người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền, người nào có tranh chấp với người chiếm hữu phải chứng minh rằng người chiếm hữu không có quyền”. Quy định này đã vô hình trung trao quyền năng đặc biệt cho người chiếm hữu hợp pháp tài sản, chỉ cần chiếm hữu hợp pháp thì được suy đoán là chủ sở hữu. Và nếu như quy định này được áp dụng vào thực tế cuộc sống, thì chắc chắn rằng hệ lụy nghiêm trọng có thể sẽ xảy ra đối với chủ sở hữu đang trong nỗ lực lấy lại tài sản của mình.

Và đây cũng là những bất cập trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi. 

Hồ Văn

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu