Thứ 6, 19/04/2024 09:32:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:33, 13/11/2015 GMT+7

GÓP Ý DỰ THẢO BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ SỬA ĐỔI:

Quyền bào chữa và quyền im lặng

Thứ 6, 13/11/2015 | 10:33:00 1,875 lượt xem

BP - Tại Khoản 1, Điều 13 trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi (Dự thảo Online) là những quy định về suy đoán vô tội, với nội dung như sau: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì điều luật viết như trên là quá dài, vừa thừa mà không toát nội dung chính. Vì vậy, câu thứ nhất của điều này, tôi đề nghị bỏ cụm từ “được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và”. Đồng thời, ở câu thứ hai của điều này, tôi đề nghị bỏ cụm từ “và không thể làm sáng tỏ” và cụm từ “kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”... để cho điều luật được ngắn gọn, dễ hiểu và dễ thực thi. Do đó, Điều 13 trong dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự được viết lại như sau: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ căn cứ để buộc tội, thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội.

Điều 15 trong dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi (Dự thảo Online) là những quy định về xác định sự thật của vụ án, với nội dung như sau: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Và Điều 16 là những quy định về việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, với nội dung như sau: Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện đầy đủ quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này. Trường hợp người bị buộc tội thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Trước hết, tôi hoàn toàn đình tình với nội dung của hai điều luật này. Vì từ hai điều luật trên cho ta thấy: Với Điều 15 đã quy định nói rõ trách nhiệm chứng minh tội phạm của các cá nhân và cơ quan tham gia tố tụng, chứ không phải của người bị buộc tội. Và Điều 16 là những quy định cụ thể về quyền của người bị buộc tội trong việc tự bào chữa cho mình hoặc nhờ luật sư hay người khác. Và từ nội dung của 2 điều này cho chúng ta thấy ranh giới rõ ràng giữa quyền bào chữa và quyền im lặng của người bị buộc tội. Vì thế, quy định trên đây không phải là tạo nên sự khó khăn trong điều tra xét hỏi, mà là minh chứng cho sự năng động và sáng suốt của việc điều tra xét hỏi trong qúa trình khám phá vụ án. Và với việc quy định: Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội, cũng có nghĩa là lần đầu tiên pháp luật hình sự ở nước ta thừa nhận quyền im lạng. Và đây là bước tiến trong tiến trình xây dựng pháp luật hình sự ở nước ta, là bước hoàn thiện việc bảo vệ công lý theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, mà cụ thể là tại Điều 3 Hiến pháp 2013 đã định quy định rõ: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Hơn nữa, thực tế xét xử ở tòa án các cấp hiện nay cho thấy, phần lớn đối với tội phạm hình sự, thì việc tuyên mức hình phạt tăng nặng hay giảm nhẹ đều căn cứ theo pháp luật chứ ít căn cứ theo chứng minh phạm tội, tranh tụng giữa luật sư bào chữa và đại diện Viện kiểm sát. Tuy nhiên, để công lý khách quan thì quyền giữ im lặng hay quyền được cho tham khảo luật pháp và tìm người bào chữa của người bị buộc tội là cần thiết. Và đây là bước tiến khá xa về dân chủ trong quá trình tố tụng và điều này thể hiện rõ sự công bằng, minh bạch và tôn trọng công lý, thượng tôn pháp luật.

N.V

  • Từ khóa
14365

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu