Thứ 6, 29/03/2024 16:42:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 08:23, 30/03/2013 GMT+7

Quy định rõ vị trí của Đảng

Thứ 7, 30/03/2013 | 08:23:00 65 lượt xem

Tại Điều 3 (sửa đổi, bổ sung Điều 3) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Nếu quy định như trên thì trách nhiệm của Nhà nước mới chỉ ở mức “bảo đảm và phát huy” và như vậy xem ra vẫn còn chung chung, chưa cụ thể. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì ở điều này cần được bổ sung cụm từ “có nghĩa vụ” vào ngay sau cụm từ “Nhà nước”. Vì đã là nghĩa vụ của mình thì tất nhiên Nhà nước phải thực hiện. Như vậy, Điều 3 được viết lại như sau: Nhà nước có nghĩa vụ đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Tại Khoản 1, Điều 4 (sửa đổi, bổ sung Điều 4) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như vậy mới chỉ nói lên được vai trò, nhiệm vụ, nghĩa vụ và bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà chưa khẳng định rõ vị trí của Đảng. Vì vậy, theo tôi ở Khoản 1 cần được bổ sung cụm từ “là Đảng duy nhất” vào ngay sau cụm từ “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Quy định như vậy là chúng ta đã khẳng định vị trí duy nhất của Đảng trong văn bản pháp luật cao nhất của nước ta - Hiến pháp. Điều này không những thể hiện được tâm tư, nguyện vọng và sự tin tưởng của nhân dân Việt Nam đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là lời tuyên bố dứt khoát đối với những thế lực thù địch có âm mưu đòi xóa bỏ Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đồng thời cũng là lời cảnh báo và cảnh cáo đối với những kẻ có suy nghĩ, hay ý tưởng đòi đa đảng. Vì vậy, ở Khoản 1 của Điều 4 được viết lại như sau: 1. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Tại Khoản 2, Điều 5 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 2.Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như vậy là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Vì thực tế thời gian qua cho thấy, các thế lực thù địch đã, đang dùng nhiều thủ đoạn, âm mưu thâm độc để thực hiện ý đồ chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta. Vì vậy, trong Hiến pháp cũng cần hiến định rõ hành vi nhằm phá hoại mối đại đoàn kết dân tộc bị nghiêm cấm. Cụ thể, ở Khoản 2, Điều 5 cần được bổ sung cụm từ: “kích động, xúi giục” vào ngay sau cụm từ “mọi hành vi kỳ thị”. Như vậy, Khoản 2 này sẽ được viết lại như sau: 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kích động, xúi giục kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

Ở Khoản 4, Điều 5 trong dự thảo có ghi: 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước. Theo tôi, nếu quy định như vậy thì mới chỉ nói được trách nhiệm của Nhà nước với cộng đồng các dân tộc thiểu số, mà chưa thể hiện được trách nhiệm của cộng đồng các dân tộc thiểu số đối với sự phát triển chung của đất nước. Vì thế, theo tôi thì ở khoản này cần được bỏ từ “và” ngay sau cụm từ “toàn diện” và thay vào đó là dấu phẩy. Tiếp đến là bỏ từ “vào” ngay sau cụm từ “hòa nhập”. Đồng thời, bổ sung cụm từ “và có trách nhiệm với” ngay trước cụm từ “sự phát triển chung”. Như vậy, khoản này được viết lại như sau: 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện, tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập và có trách nhiệm với sự phát triển chung của đất nước.

Kim Ngọc (Bù Đăng)

  • Từ khóa
108190

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu