Thứ 6, 19/04/2024 15:47:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:32, 24/01/2016 GMT+7

Quý 1/2016, sàn giao dịch cộng đồng cao su quốc tế đi vào hoạt động

Chủ nhật, 24/01/2016 | 10:32:00 199 lượt xem

* Cuối năm 2016, VRG thành lập sàn giao dịch cao su

BP - Hội đồng Cao su quốc tế ba bên ITRC (gồm 3 nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia, chiếm 70% sản lượng toàn cầu) cho biết sẽ thành lập một sàn giao dịch mới cho cao su thiên nhiên vào cuối quý 1/2016, với mục tiêu phục hồi giá sau 3 năm giảm liên tục. Đây là tin vui không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cao su tiểu điền của Việt Nam.

Sản xuất mủ cốm tại Xí nghiệp cơ khí chế biến Quản Lợi, Công ty TNHH MTV cao su Bình LongSản xuất mủ cốm tại Xí nghiệp cơ khí chế biến Quản Lợi, Công ty TNHH MTV cao su Bình Long

Tại cuộc họp của ITRC diễn ra ngày 3-12-2015, 3 nước đã xem xét để thành lập sàn giao dịch mới nhằm giúp “định giá tốt hơn và bảo hiểm rủi ro hiệu quả hơn” cho những người tham gia vào thị trường cao su. Hệ thống giao dịch mới này vẫn còn sơ lược về thông tin chi tiết nhưng mục tiêu tổng quát là thiết lập một diễn đàn mở để cung cấp giá minh bạch cho người sản xuất cao su, mà phần lớn là cao su tiểu điền tại 3 nước này. Họ chịu nhiều khó khăn, sau khi giá cao su đã giảm đến 60% kể từ năm 2011.

Theo ITRC, giá cao su giảm một phần do cách định giá bán. Một lượng cao su thiên nhiên được bán thông qua thỏa thuận trên sàn giao dịch lớn hơn so với thị trường hàng hóa thật. Giá tại sàn giao dịch Tokyo và Singapore thường được tham chiếu cho hợp đồng chuyến và hợp đồng tương lai đối với mặt hàng cao su thiên nhiên. Nhưng các sàn giao dịch tương đối kém thanh khoản nên dễ bị những nhà mua nhiều cao su và nhà đầu cơ sử dụng nguồn lực tài chính làm giảm giá. Trong khi đó, nông hộ sản xuất quy mô nhỏ không có nguồn lực tài chính để tham gia và chống đỡ.

Ý tưởng về một phương thức mới để kết nối người mua và người bán cao su thiên nhiên được đưa ra bàn lần đầu tiên vào năm 2011. Tại cuộc họp ITRC ngày 3-12-2015, đại diện của 3 quốc gia cho biết, thị trường cao su khu vực sẽ được thành lập vào tháng 6-2016 nhưng cần giải quyết nhanh để có thể thành lập và vận hành trong vòng 3 tháng đầu năm.

Theo một số nhà phân tích, sàn giao dịch mới chưa thể ngay lập tức là phương thức giải quyết được vấn đề giá cao su giảm thấp. Bởi nguồn cung cao su thiên nhiên vẫn còn nhiều, trong khi nhu cầu của Trung Quốc suy giảm và giá dầu thô (nguồn nguyên liệu chính để sản xuất cao su tổng hợp) đã giảm dưới 30 USD/thùng, làm cao su tổng hợp trở nên rẻ và tăng cạnh tranh với cao su thiên nhiên.

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cũng dự kiến sẽ thành lập sàn giao dịch cao su vào cuối năm 2016 để kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp và nông dân. Theo VRG, lâu nay doanh nghiệp, người trồng, kinh doanh cao su thường căn cứ giá cao su trên các sàn giao dịch hàng hóa trong khu vực như TOCOM (Nhật Bản), SHFE (Trung Quốc), AFET (Thái Lan) và sàn SGX (Singapore). Ở Việt Nam đã có sàn VNX nhưng mới chỉ giao dịch mặt hàng cao su RSS3 (sản phẩm cao su dạng lá).

Ngày 12-1-2016, giá cao su thiên nhiên tại một số tỉnh miền Trung và Đông Nam bộ đối với loại SVR3L là 23.200 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với ngày 11-1, còn cao su loại SVR10 là 22.800 đồng/kg, giảm 800 đồng/kg.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, năm 2015 Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn cao su với trị giá hơn 1,5 tỷ USD, tăng 6% về lượng nhưng lại giảm gần 14,5% về giá trị. Giá cao su xuất khẩu bình quân trong 11 tháng của năm 2015 là 1.377 USD/tấn, giảm gần 19% so với cùng kỳ năm 2014. Thị trường nhập khẩu cao su chính từ Việt Nam dẫn đầu vẫn là Trung Quốc, tiếp theo Malaysia và Ấn Độ.

P.Thảo

  • Từ khóa
40009

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu