Thứ 5, 25/04/2024 00:40:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:09, 30/04/2014 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 39 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2014)

Địa đạo Củ Chi - “Đất thép Thành đồng”

Thứ 4, 30/04/2014 | 06:09:00 4,681 lượt xem

Chiến thắng 30-4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ con người Việt Nam. Chiến thắng đó được tạo nên bằng xương máu của hàng triệu người Việt Nam yêu nước. Trên mảnh đất miền Nam, nơi nào cũng có địa danh đã ghi chiến công vào những trang sử vàng của dân tộc. “Đất thép Thành đồng” - Củ Chi là một trong những địa bàn mãi mãi ghi dấu vàng trong những trang sử chống Mỹ cứu nước, góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Di tích địa đạo Củ Chi tập trung chủ yếu ở ấp Phú Hiệp, thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) với diện tích gần 100 ha. Đây là vùng đất cao, lòng đất lẫn đá sỏi rắn chắc, có thể chịu sức ép bom 500kg và xe cơ giới của địch. Đồng thời, nơi đây là khu rừng chồi, tre và cao su lẫn lộn, rất thích hợp cho du kích tác chiến. Theo thiết kế, địa đạo được xây bằng cách cứ khoảng 16m tạo một giếng, đường kính 0,6m, sâu 3m. Từ đáy giếng dùng cuốc chim khoét sâu tạo thành địa đạo có chiều ngang 50cm, cao 80cm. Địa đạo gồm các ngóc ngách theo thế vừa chiến đấu, vừa tiếp nối từ hầm này đến hầm khác, tạo thành một thế liên hoàn được tính toán rất khoa học.

Địa đạo Củ Chi chia làm 3 khu: Khu trung tâm dành cho các cán bộ lãnh đạo cao cấp. Khu bên phải gồm hầm văn phòng và hầm hội họp. Khu bên trái là nơi đóng quân của Tiểu đoàn Vinh Quang. Điểm nổi bật của khu địa đạo là các hầm âm trong lòng đất. Những căn hầm xây dựng cho văn phòng, y tế, hậu cần, cơ yếu, văn nghệ, bếp Hoàng Cầm... tập trung ở khu vực vườn quýt. Mỗi hầm cách nhau 50 đến 70m, có kích thước như một hình vuông rộng từ 3m đến 3,5m. Địa đạo nối các hầm thường vòng vèo và qua một chốt bảo vệ. Hầm tại khu trung tâm được mô tả như là một trong những kỳ công của khu địa đạo. Tại đây có hầm làm việc của chính ủy, tư lệnh và phó tư lệnh, các khu ủy và hầm họp. Mỗi hầm cách nhau khoảng 400 đến 500m, thông nhau qua địa đạo. Ngoài ra, bốn mặt khu địa đạo còn có 4 trạm thông tin, báo động, trang bị máy móc hiện đại. Sự kiên cường và sức chiến đấu mãnh liệt của quân và dân Củ Chi trong kháng chiến được duy trì bởi một hệ thống địa đạo với đường hầm nhiều tầng, nhiều lớp, tổng cộng dài đến 200km, được quân và dân Củ Chi kiến tạo trong nhiều năm liên tục. Địa đạo với vô số các cửa hầm bí mật lên mặt đất, các lỗ châu mai, hỏa lực bí mật, các hầm trú ẩn, công xưởng ngầm dưới mặt đất, kho tàng và doanh trại trú quân, phía trên được bố trí dày đặc mìn và các hầm chông, cạm bẫy.


Du khách xuống hầm tham quan địa đạo Củ Chi: Ảnh - VnExpress

Đến nay, địa đạo Củ Chi vẫn giữ nguyên như trong thời chiến tranh. Trên suốt chiều dài của tất cả các đường hầm đều có khoét những lỗ thông hơi và thông gió bí mật, thông lên trên mặt đất và được ngụy trang rất kín đáo. Một phần những cửa thông gió bí mật đều có thể sử dụng như một hỏa điểm. Trong giai đoạn chiến tranh, có những lúc trong hệ thống đường hầm chứa được một đạo quân hoặc dân cư của một làng. Trong đường hầm có các kho dự trữ vũ khí trang bị, đạn dược và chất nổ các loại; lương thực thực phẩm và cơ sở vật chất y tế chiến trường. Ngoài ra còn có bệnh viện dã chiến, các căn hầm, phòng ngủ, ban chỉ huy dã chiến, hầm trú ẩn và nơi sinh hoạt dành cho phụ nữ, trẻ em, người già. Đây không chỉ là làng mà như một thành phố trong lòng đất.

Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử cuộc đấu tranh chống Mỹ anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20. Địa đạo Củ Chi là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh và đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, là quê hương của “chiến tranh địa đạo” và được phong tặng danh hiệu “Đất thép Thành đồng”. Hiện nay, địa đạo Củ Chi đã trở thành một khu du lịch hấp dẫn, thu hút hàng ngàn du khách trong nước và nước ngoài tham quan mỗi ngày.         

Địa đạo Củ Chi được “Địa lý thế giới” bình chọn đứng trong top 10 công trình ngầm ngoạn mục nhất thế giới, gồm: Hang động ở công viên Aktun Chen, Yucatán (Mexico); Vườn quốc gia bang Mammoth, Kentucky (Mỹ); thành phố ngầm Montreal (Canada); mỏ muối Wieliczka (Ba Lan); địa đạo Củ Chi (Việt Nam); mỏ Hannan, Kalgoorlie (Australia); hầm nguyên tử Berlin (Đức); hệ thống cống ngầm ở Paris (Pháp); hầm mộ tại nhà thờ Santa Maria Della Concezione Rome (Italy); kim tự tháp Giza (Ai Cập).

                    Đức Hồng

  • Từ khóa
11111

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu