Thứ 7, 20/04/2024 21:19:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:34, 09/04/2019 GMT+7

Quay lưng với BOT là nghiệt ngã

Thứ 3, 09/04/2019 | 08:34:00 109 lượt xem
BP - Sau buổi đối thoại giữa đại diện Hiệp hội Vận tải và Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa với các nhà đầu tư BOT giao thông, do UBND tỉnh tổ chức ngày 4-4, đã có nhiều thông tin, đánh giá về tình hình triển khai chủ trương phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn Bình Phước.

BCC, BOT, BTO, BT, PPP... là các hình thức hợp đồng đầu tư không còn mới mẻ hiện nay ở nước ta cũng như trên thế giới, trong đó lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông được triển khai khá phổ biến. Điều kiện thực tế, đặc biệt là hệ thống pháp lý, tiềm lực tài chính và văn hóa ở mỗi quốc gia khác nhau, nên hợp đồng BOT giao thông được thực hiện trong thực tế cũng khác nhau. Thậm chí trong một nước, mỗi vùng miền, đến mỗi tỉnh, thành có điều kiện khác nhau cũng có điểm khác nhau. Như Bình Phước dân cư, doanh nghiệp, phương tiện đi lại thưa, ngoài 2 tuyến quốc lộ còn lại giao thông chính là đường cụt... khác rất nhiều so với địa phương có địa hình thuận lợi, kinh tế, xã hội phát triển. Vì thế, cả phía chính quyền và phía doanh nghiệp, thu hút đầu tư cũng như đầu tư làm BOT giao thông ở Bình Phước có những đặc thù rất riêng.

Bình Phước hiện có 2.983 tuyến đường với tổng chiều dài 8.892km và 340 cây cầu. Các tuyến đường chính, đường đến trung tâm xã đều đã được nhựa hóa khang trang, trong đó 3 tuyến xương sống là QL13, QL14, ĐT741 đều đã được mở rộng thênh thang hai chiều, mỗi chiều có tối thiểu 2 làn ôtô, 1 làn xe máy... So với những địa phương khác có tiềm lực mạnh, những con số này khá khiêm tốn. Thế nhưng, ngược thời gian về thời điểm tái lập tỉnh Bình Phước chỉ có 103 tuyến đường với tổng chiều dài 1.235km và 70 cây cầu, trong đó đường sỏi đỏ và đường đất 83,95%, cầu dã chiến 69,2%, thì các con số về giao thông của Bình Phước xứng đáng là một thành tựu to lớn.

 Qua thời gian, dù không còn nhắc tới nhiều, song không ít người vẫn kể các câu chuyện ngày mới tái lập tỉnh đi xe đò Thủ Dầu Một - Phước Long mất cả ngày; Đồng Xoài - Chơn Thành, Đồng Xoài - Bình Long đi bằng ôtô phải vòng về Phú Giáo, Bến Cát; Phước Long - Bình Long phải đi một cái vòng tròn khoảng 120km Phước Long - Đồng Xoài - Chơn Thành - Bình Long; Phước Long với Lộc Ninh, Bù Đốp giáp nhau nhưng đi một vòng rất xa xăm... Để xóa các vòng thúng ấy, Bình Phước đã tập trung nguồn lực ngân sách đầu tư nâng cấp, mở rộng đường, làm cầu qua sông. Song song đó, ngân sách hạn hẹp, Bình Phước chủ động đề nghị các cơ quan của Trung ương cho phép kêu gọi đầu tư BOT những tuyến huyết mạch để làm đường lớn. Đã có 5 dự án được thẩm định, phê duyệt, triển khai, gồm 4 dự án mở rộng, nâng cấp đường rộng từ 4-6m lên tối thiểu 19m và 1 tuyến đường mở mới. Những tuyến đường này đã giúp Bình Phước thoát khỏi nỗi ám ảnh được gọi là “xứ rừng”, “đường rừng”... Thay vào đó là giao thông thông suốt, rộng rãi.

Không phải bỗng dưng có đường đẹp, đường rộng để đi và người đi đường cũng không “được không” những con đường ấy. Có người, có doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư và tất nhiên có người, có doanh nghiệp trả phí - như một dịch vụ trong cơ chế thị trường. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp hiện nay, đặc biệt như Bình Phước, BOT là giải pháp khả dĩ và rất cần được cộng đồng chia sẻ gánh nặng giữa cả nhà đầu tư và người trả phí.

Nếu còn nghi ngờ điều đó, hãy tưởng tượng những tuyến đường này chưa có vốn đầu tư, vẫn là đường cũ 4-6m, sẽ có bao nhiêu người, bao nhiêu doanh nghiệp kiến nghị phải làm ngay BOT? Chắc chắn rất nhiều. Và vì thế, không thể làm xong rồi, được đi đường rộng đẹp rồi, lại quay lưng với BOT. Vấn đề là cơ quan quản lý nhà nước minh bạch được các dự án BOT và chủ đầu tư các dự án BOT cũng cần tự công khai, minh bạch mới nhận được sự ủng hộ của người sử dụng dịch vụ mình cung cấp.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu