Thứ 5, 18/04/2024 16:01:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:58, 11/07/2017 GMT+7

Quản lý thị trường và chuyện “quốc tửu”

Thứ 3, 11/07/2017 | 08:58:00 162 lượt xem
BP - Ngày 7-7, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra trên địa bàn xã Tân Khai, huyện Hớn Quản, đã phát hiện tại quán lẩu dê Trường Giang có 30 lít rượu không nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Trước đó, ngày 16-6, lực lượng quản lý thị trường cũng đã thu giữ 90 lít rượu trắng của chủ tiệm Nguyễn Thị Phụng, ấp 1, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản do vi phạm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc. Lực lượng quản lý thị trường đã tịch thu tang vật theo quy định, đồng thời xử phạt hành chính chủ hai cơ sở kinh doanh này.

Việc tịch thu tang vật và xử phạt những cơ sở sản xuất - kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay nhãn hiệu không rõ ràng theo quy định chắc hẳn được cả xã hội đồng tình. Tuy nhiên, đối với mặt hàng rượu, xét ở phạm vi rộng, có lẽ không chỉ dừng lại như thế. Bởi lẽ, thực tế ở nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng, có thể nói rằng tất cả rượu trong quán nhậu hoặc trong nhà dân để có nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ đầy đủ theo quy định, cũng khó như nói rằng... uống rượu không bao giờ say vậy!

Trên khắp thế giới, mỗi quốc gia, dân tộc, vùng lãnh thổ dường như ở đâu cũng có một loại rượu đặc trưng của xứ đó. Thậm chí, có nhiều loại rượu được ví như “đặc sản” và gắn với những thương hiệu nổi tiếng, trở thành một mặt hàng rất cao cấp, có loại còn giá trị cao hơn hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn lần loại rượu bình dân khác. Ở Việt Nam có nhiều loại rượu nổi tiếng (trong vùng thôi), như rượu Làng Vân ở Bắc Giang, rượu Bó Nặm ở Bắc Kạn, rượu San Lùng ở Lào Cai, rượu Thanh Kim ở Điện Biên, rượu Mẫu Sơn ở Lạng Sơn, rượu Kiên Lao ở Nam Định, rượu Kim Sơn ở Ninh Bình, rượu Kim Long ở Quảng Trị, rượu Đá Bạc ở Thừa Thiên - Huế, rượu Hồng Đào ở Quảng Nam, rượu Bàu Đá ở Bình Định, rượu Gò Đen ở Long An, rượu Xuân Thạnh ở Trà Vinh... Không chính thức, cũng có nhiều người cho rằng Làng Vân, Kim Long, Bàu Đá, Gò Đen là “đại diện xuất sắc” của rượu ngon 3 miền Bắc - Trung - Nam. Làng Vân đằm, sâu; Kim Long êm, mềm mại; Bàu Đá mạnh, rộng; Gò Đen đậm đà, phóng khoáng... Tuy nhiên, để đi đến “chung kết” thì không rượu “ông nào” chịu kém rượu “ông nào”, “ông nào” cũng cho rằng “rượu miền tôi là nhất” và thích loại rượu nào thì rượu đó là “số 1”, thậm chí nhiều người còn cho rằng tất cả loại rượu nổi tiếng đó cũng không ngon bằng rượu của “làng tôi”...

Về cơ bản, quy trình nấu rượu của người phương Đông khá giống nhau và cũng đều có nguồn gốc từ ngũ cốc, song Nhật Bản thì có rượu Sake, Hàn Quốc có rượu Soju, Trung Quốc có rượu Mao Đài (tất nhiên quốc gia rộng lớn và có hơn một tỷ dân Trung Quốc cũng có nhiều loại rượu nổi tiếng khác) được xem là “quốc tửu”. Còn ở Việt Nam, việc tìm ra một thương hiệu “quốc tửu” như vậy là câu hỏi dường như không có lời giải. Thậm chí, nhiều “dân nhậu” còn cho rằng “quốc tửu” của chúng ta cứ gọi chung bằng một cụm từ “rượu đế” hay rượu “quốc lủi” - một sự thụt lùi trong việc nâng cao giá trị văn hóa ẩm thực của người Việt - là được!

Văn hóa ẩm thực đặc sắc và trải qua hàng ngàn năm, nhưng Việt Nam đã không những không có “quốc tửu”, mà việc sản xuất rượu đến giờ vẫn mang tính chất “tự cung tự cấp”, mạnh ai nấy nấu, mạnh ai nấy uống, đầy nguy cơ rủi ro - là điều thật đáng tiếc. Chỉ khi nào chúng ta có được những thương hiệu phổ biến ít nhất mang tầm quốc gia, lớn hơn là có được “quốc tửu”, lúc đó lực lượng quản lý thị trường mới bớt vất vả!

Trần Phương

  • Từ khóa
108675

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu