Thứ 6, 19/04/2024 06:34:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:52, 04/12/2014 GMT+7

Quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên quá hổng!

Thứ 5, 04/12/2014 | 10:52:00 154 lượt xem
BP - Vụ vỡ nợ ở xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh) với số tiền 27 tỷ đồng chưa kịp lắng xuống thì dư luận trong tỉnh lại xôn xao trước thông tin, ngày 26-11, cơ quan điều tra Công an tỉnh bắt khẩn cấp chủ phòng khám đa khoa Tâm Đức để làm rõ hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền khoảng 3,4 tỷ đồng.

So các vụ việc từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh thì vụ lừa đảo nói trên không lớn về giá trị tài sản. Tuy nhiên, nó lại thu hút sự quan tâm của dư luận bởi bà Ngô Minh Chiến, chủ phòng khám này từng được báo chí nhắc đến trong một vụ việc khác: Sử dụng bằng giả và bị Sở Y tế kỷ luật tháng 10-2013. Điều đáng nói nữa, bà Chiến hiện là cán bộ thanh tra Sở Y tế Bình Phước. Trước đó 3 ngày, cảnh sát giao thông Công an huyện Hớn Quản cũng đã bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Vinh, nguyên Phó chánh Văn phòng UBND huyện Hớn Quản về các hành vi lừa đảo chiếm đoạt 2 tỷ đồng.

Chưa bao giờ, tình trạng cán bộ hoặc người nhà cán bộ lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để vi phạm pháp luật lại “đua nở” như thế. Ngay trên địa bàn tỉnh, chỉ trong vài năm gần đây đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc. Năm 2000, vợ chồng ông Phan Tấn Sơn, nguyên cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Nông thôn, chi nhánh thị xã Đồng Xoài và vợ là Huỳnh Thị Lý đã huy động hơn 70 tỷ đồng của 44 người rồi tuyên bố vỡ nợ. Vụ vỡ đường dây tín dụng đen này khiến nhiều hộ dân ở thị xã Đồng Xoài rơi vào quẫn bách. Đến năm 2011, bà Nguyễn Thị Sạnh ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành lại huy động gần 22 tỷ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ. Đáng chú ý, chồng bà Sạnh là ông Trần Hoàng Sơn, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Hớn Quản. Ông Sơn đã không can thiệp khi vợ huy động vốn với số lượng lớn mà sau khi vợ tuyên bố vỡ nợ, ông còn yêu cầu UBND thị trấn Chơn Thành xác nhận việc phân chia tài sản gia đình để “đảm bảo quyền lợi cho ông và hai con”. Cách đây khoảng 4 năm, chủ một cơ sở y tế tư nhân ở thị xã Đồng Xoài cũng huy động nhiều tỷ đồng và không có khả năng chi trả. Bà chủ cơ sở này là trưởng phòng y tế huyện. Nhiều nạn nhân, trong đó có người cho vay hàng chục tỷ đồng nhưng không muốn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền mà để tự thỏa thuận với con nợ hòng lấy lại phần nào số tiền đã cho vay nên vụ việc đến nay vẫn chưa được đưa ra ánh sáng.

Nhìn rộng ra cả nước đã có rất nhiều vụ lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để vi phạm pháp luật như các vụ Vinasin, Vinalines... Gần đây nhất là vụ siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như, cán bộ Ngân hàng VietinBank chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh đã lừa 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân với số tiền gần 4 ngàn tỷ đồng.

Hàng năm, các tổ chức cơ sở đảng vẫn định kỳ đánh giá cán bộ, đảng viên, trong đó có đánh giá của chi bộ đảng nơi cư trú, rồi giám sát thông qua việc kê khai tài sản. Nói chung, hệ thống quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên hiện nay chặt chẽ hơn nhiều so với trước. Thế nhưng các vụ vi phạm trong cán bộ, đảng viên hoặc người nhà cán bộ, đảng viên càng dày lên với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Điều đó cho thấy công tác quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên hiện chưa thực chất.

B.K

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu