Thứ 4, 24/04/2024 20:03:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:25, 19/01/2017 GMT+7

Quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên cần thực chất

Thứ 5, 19/01/2017 | 10:25:00 668 lượt xem

BP - Tại hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2016 do Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức ngày 10-1-2017, trong nội dung báo cáo cho thấy, dù Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, chương trình, kế hoạch năm, theo Điều lệ Đảng và theo đơn thư; và qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời chấn chỉnh những tập thể, cá nhân có biểu hiện vi phạm, song số đảng viên, tổ chức đảng vi phạm, phải thi hành kỷ luật, thậm chí là kỷ luật nặng vẫn còn nhiều.

Trong năm 2016, toàn tỉnh có tới 14 đảng viên bị khai trừ khỏi Đảng, 30 đảng viên bị cấp ủy các cấp xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo là những con số đáng phải suy nghĩ. Điều đáng nói là ngay tại hội nghị, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã đánh giá: công tác giám sát thường xuyên, chủ động nắm tình hình nhằm phát hiện, xác định nội dung, đối tượng để kiểm tra ở một số địa phương, đơn vị còn hạn chế, chưa kịp thời. Thậm chí có nơi đảng viên sai phạm đã nhiều năm, khi chuyển qua công tác khác mới phát hiện và bị xử lý kỷ luật.

Thực tế số CBCCVC hoặc người đứng đầu các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp hoặc giám đốc doanh nghiệp nhà nước để người thân thành lập doanh nghiệp tư nhân kinh doanh cùng ngành nghề hoặc do mình trực tiếp quản lý là không ít. Do vậy, việc nhận diện đầy đủ, chính xác để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý là vô cùng khó khăn. Không phải CBCCVC không biết đó là điều không nên làm nhưng vì quyền lợi cá nhân hoặc lợi ích nhóm có liên quan đến họ và gia đình nên cứ làm ngơ. Mà ngay cả khi luật cấm, họ còn cố tình làm sai, nói gì đến việc luật không quy định thì lấy gì xử lý?

Có thể nói, chưa bao giờ tình trạng cán bộ hoặc người nhà cán bộ lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để vi phạm pháp luật lại “đua nở” như hiện nay. 2 năm trước, chuyện 12 con dê của người nghèo bỗng dưng “đi lạc” vào trang trại của ông Bí thư Huyện ủy Thạch Thành (Thanh Hóa) trở thành câu chuyện bi hài “cười ra nước mắt”, là đề tài châm biếm sống động cho rất nhiều tờ báo. Và chỉ cách đây vài ngày, báo chí lại đưa tin Chủ tịch Hội Nông dân xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng do vi phạm trong hỗ trợ con giống thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cụ thể là hỗ trợ người thân, không đúng đối tượng. Rồi còn nhiều, rất nhiều câu chuyện “cả họ làm quan”, “chọn người nhà, bỏ người tài” được báo chí đưa tin gây ồn ào dư luận nhưng rồi cũng không đi đến đâu.

Điều 37 của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành quy định “Những việc cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) không được làm” đã liệt kê rất nhiều hành vi, nhóm hành vi mà CBCCVC không được làm. Thế nhưng có một sự bất cập rất lớn là không thấy cấm CBCCVC để cho cha mẹ ruột, cha mẹ vợ, vợ, chồng, con… (gọi chung là người thân) nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác từ tổ chức hoặc cá nhân có liên quan tới công việc của CBCCVC. Ngay trong mục (b) của điều 37 có quy định CBCCVC “không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư” nhưng lại không cấm vợ, con, anh, em... thành lập. Đây thực sự là một lỗ hổng rất lớn về mặt pháp luật, bởi hiện nay hành vi đưa và nhận hối lộ rất tinh vi, biến tướng dưới nhiều hình thức. Qua các vụ án tham nhũng đã bị đưa ra xét xử cho thấy nhiều CBCCVC giữ chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thực hiện hành vi nhận hối lộ thông qua các doanh nghiệp sân sau của người thân.

Nhưng đó là chuyện ở xa, còn ngay trên địa bàn tỉnh, chỉ trong vài năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến cán bộ, đảng viên, trong đó có những người vi phạm thời gian dài mà không bị phát hiện. Năm 2000, vợ chồng ông Phan Tấn Sơn, nguyên cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Đồng Xoài và vợ là Huỳnh Thị Lý đã huy động lên tới hơn 70 tỷ đồng của 44 người rồi tuyên bố vỡ nợ. Vụ vỡ đường dây tín dụng đen này khiến nhiều hộ dân ở thị xã Đồng Xoài rơi vào quẫn bách. Đến năm 2011, bà Nguyễn Thị Sạnh ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành lại huy động gần 22 tỷ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ. Đáng chú ý, chồng bà Sạnh là ông Trần Hoàng Sơn lúc đó là cán bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Hớn Quản. Ông Sơn đã không can thiệp khi vợ mình huy động vốn với số lượng lớn mà sau khi vợ tuyên bố vỡ nợ, ông còn yêu cầu UBND thị trấn Chơn Thành xác nhận việc phân chia tài sản gia đình để “đảm bảo quyền lợi cho ông và hai con”.

Hằng năm, các tổ chức cơ sở đảng vẫn định kỳ đánh giá cán bộ, đảng viên, trong đó có đánh giá của chi bộ đảng nơi cư trú. Rồi kiểm tra, giám sát thông qua việc kê khai tài sản, qua dư luận... Nói chung, hệ thống quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên hiện nay chặt chẽ hơn nhiều so với trước. Thế nhưng các vụ vi phạm trong cán bộ, đảng viên hoặc người nhà cán bộ, đảng viên ngày càng dày lên với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Điều đó cho thấy công tác quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên hiện chưa thực chất.

Thảo Linh

  • Từ khóa
17238

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu