Thứ 3, 23/04/2024 13:38:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:12, 22/11/2017 GMT+7

Quản lý chặt chẽ khai thác và sử dụng khoáng sản

Thứ 4, 22/11/2017 | 06:12:00 487 lượt xem

BP - Nhằm tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế đủ điều kiện, đặc biệt là năng lực kỹ thuật, tài chính tham gia đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản theo hướng bền vững, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây cũng là cơ sở để hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản đi vào nền nếp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời tiến tới áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến nhằm bảo vệ môi trường.

Tăng giá trị sản xuất công nghiệp khai khoáng

Theo đó, mục tiêu cụ thể của quy hoạch là xác định đầy đủ, chính xác vị trí tài nguyên khoáng sản ở các mỏ, điểm mỏ; khả năng khai thác, sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh để đưa vào quy hoạch. Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch kỳ trước, thực trạng thăm dò, khai thác sử dụng khoáng sản hiện nay trong tỉnh. Khai thác, chế biến, sử dụng hiệu quả nhất các loại tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn, kết hợp bảo vệ môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và tài nguyên thiên nhiên khác. Tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng trong giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp đến năm 2020 chiếm tỷ trọng từ 3-4% và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm, đến năm 2030 là 17%/năm...

Khai thác đá xây dựng tại mỏ Tân Lập (Đồng Phú) của Công ty cổ phần kinh doanh phát triển nhà Bình Phước (ảnh minh họa) - Ảnh: Thanh Mảng

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh gồm các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn. Không quy hoạch các mỏ thuộc khu vực dự trữ của quốc gia, quy hoạch mỏ thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các mỏ thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

Đối với quy hoạch thăm dò khoáng sản giai đoạn đến năm 2020, gồm: Quy hoạch thăm dò, nâng cấp mỏ đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác theo quy định Luật Khoáng sản năm 1996, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005 nhưng chưa đủ điều kiện đưa vào khai thác sau khi chuyển đổi cấp trữ lượng và đang còn hiệu lực: 5 mỏ. Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường gồm: đá xây dựng 34 khu vực mới với diện tích 1.773,18 ha, trữ lượng 260,4 triệu mét khối; vật liệu san lấp 28 khu vực với 610,3 ha, trữ lượng 29,6 triệu mét khối; sét gạch ngói 15 khu vực 506 ha, trữ lượng 28,1 triệu mét khối; than bùn 2 khu vực với 810 ha, trữ lượng 4,8 triệu tấn; cát xây dựng 2 khu vực với 420 ha, trữ lượng 2,7 triệu mét khối. Trong giai đoạn 2021-2030: Quy hoạch thăm dò các mỏ mới gồm đá xây dựng 24 khu vực với 840 ha, trữ lượng 85,5 triệu mét khối; vật liệu san lấp 7 khu vực 215 ha, trữ lượng 11 triệu mét khối; sét gạch ngói 5 khu vực 200 ha, trữ lượng 6,1 triệu mét khối; than bùn 1 khu vực 70 ha, trữ lượng 1,4 triệu mét khối...

Quy hoạch khai thác khoáng sản giai đoạn đến năm 2020: Đối với các mỏ đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác, tiếp tục thực hiện theo giấy phép hiện hành: 24 mỏ, trong đó 20 mỏ đá xây dựng, 3 mỏ sét gạch ngói, 2 mỏ cát xây dựng. Cấp phép khai thác mới 56 khu vực, trong đó 14 khu vực đá xây dựng, 12 khu vực sét gạch ngói, 2 khu vực than bùn, 28 khu vực vật liệu san lấp. Giai đoạn 2021-2030: Tiếp tục tổ chức khai thác ở các điểm mỏ khoáng sản còn trữ lượng và thời hạn khai thác đã được cấp phép, đồng thời khai thác các mỏ mới mà giai đoạn đến năm 2020 chưa cấp phép khai thác. Cấp giấy phép khai thác mới 37 khu vực, trong đó đá xây dựng 24 khu vực, vật liệu san lấp 7, sét gạch ngói 5, than bùn 1.

Về quy hoạch sử dụng khoáng sản đến năm 2020 dựa trên cơ sở khối lượng khoáng sản cần khai thác, cung ứng nhu cầu sản xuất từng giai đoạn của các doanh nghiệp. Chất lượng, trữ lượng khoáng sản phải đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định theo dự án đã phê duyệt; tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nguyên liệu sản xuất sản phẩm theo quy định nhà nước và các cơ sở sản xuất. Sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên khoáng sản.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Để thực hiện tốt quy hoạch, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể về chính sách: Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, như quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đã được phê duyệt; tăng cường thanh - kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng dân cư trong kiểm tra, giám sát các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản. Rà soát tình hình hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân để phân loại, xử lý theo quy định. Những dự án chậm tiến độ, khai thác không hiệu quả, ảnh hưởng đến môi trường, trật tự an toàn xã hội thì không gia hạn giấy phép hoặc thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản nếu cố tình vi phạm. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa công nghệ từ khâu khai thác đến chế biến để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, ít ô nhiễm môi trường và tiết kiệm tài nguyên. Đánh giá thực trạng khai thác của từng mỏ về mức độ tuân thủ pháp luật, thống kê trữ lượng khai thác phục vụ thu tiền cấp quyền khai thác nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

Bên cạnh đó, dùng nguồn vốn nhà nước đầu tư điều tra địa chất cơ bản, tìm các loại khoáng sản có triển vọng; tiếp tục đầu tư ngân sách cho việc khảo sát điều tra địa chất - khoáng sản để tiếp tục làm rõ chất lượng, trữ lượng các khu vực mỏ. Kết hợp huy động nguồn vốn của doanh nghiệp và nhà nước hỗ trợ một phần bằng vốn vay ưu đãi dùng cho thăm dò, khai thác. Định hướng phát triển công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản theo từng giai đoạn và từng loại hình khoáng sản. Quản lý hoạt động triển khai công nghệ, chuyển giao công nghệ; ưu tiên và xây dựng tiêu chí nhằm khuyến khích những dự án có công nghệ sạch, hiện đại.

Ban hành các chính sách đãi ngộ thu hút đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật có trình độ cao để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại địa phương; đào tạo đội ngũ nhân lực làm công tác an toàn mỏ và bảo vệ môi trường nhằm tăng cường khả năng xử lý các sự cố phát sinh. Thực hiện xã hội hóa đào tạo nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo trong hoạt động khoáng sản.

Trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản phải tuân thủ triệt để Luật Bảo vệ môi trường và các quy định liên quan. Xây dựng quy chế ký quỹ để cải tạo, phục hồi môi trường bắt buộc đối với các cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn. Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát môi trường.

Các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản phải tuân thủ nghiêm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong thăm dò, khai thác khoáng sản và xây dựng nội quy, quy chế riêng trong lĩnh vực này. Trước khi sử dụng người lao động phải tổ chức học tập pháp luật và triển khai nội quy. Các doanh nghiệp phải trang bị bảo hộ lao động cho công nhân theo đặc thù công việc. Không ngừng cải thiện môi trường làm việc của người lao động trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Giảm thiểu đến mức thấp nhất việc gây ô nhiễm về tiếng ồn, không khí, nguồn nước mặt, nước ngầm tại các khu vực mỏ. Các doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải tuân thủ nghiêm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác, liên doanh, liên kết với Trung ương và các địa phương trong, ngoài nước để tranh thủ nguồn vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý sản xuất, tiếp nhận kiến thức mới, thị trường tiêu thụ nhằm đưa hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản phát triển bền vững.

Thúy Ngọc

  • Từ khóa
42249

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu