Thứ 3, 16/04/2024 15:50:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:03, 04/03/2017 GMT+7

Quan điểm của đảng và Nhà nước về xây dựng lực lượng BĐBP (Bài cuối)

Thứ 7, 04/03/2017 | 15:03:00 3,125 lượt xem

>> Quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng lực lượng BĐBP (Bài 1)

KHÔNG NGỪNG XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhưng biên giới chưa được bình yên. Phía Nam nước ta, Khơme Đỏ liên tiếp gây ra các cuộc chiến tranh biên giới; phía Bắc, chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc đưa quân xuống biên giới gây ra cuộc chiến tranh xâm lược. Tình hình đó đòi hỏi lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) phải vừa xây dựng đồn, trạm vừa cùng các lực lượng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

 

​Bộ đội biên phòng Bình Phước biểu diễn tham gia tìm kiếm cứu nạn

Để đảm bảo cho lực lượng BĐBP hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-10-1979 về việc chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng công an nhân dân vũ trang sang Bộ Quốc phòng. Nghị quyết ghi rõ “Chuyển giao sang Bộ Quốc phòng và chuyển thành bộ đội biên phòng toàn bộ lực lượng và tổ chức công an nhân dân vũ trang hiện nay thuộc Bộ Nội vụ bao gồm các đơn vị chiến đấu ở biên giới, bờ biển, hải đảo và trên chiến trường Campuchia, các cơ quan, nhà trường, các cơ sở vật chất kỹ thuật của lực lượng công an nhân dân vũ trang... Trong quá trình thực hiện, cần tăng cường lãnh đạo tư tưởng kết hợp chặt chẽ với lãnh đạo tổ chức, bảo đảm đoàn kết, nhất trí, phấn khởi, tăng cường được sức mạnh chiến đấu, tránh mọi sơ hở, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu”.

Như vậy, sau hơn 20 năm từ khi thành lập, lực lượng mang tên “Công an nhân dân vũ trang” trực thuộc Bộ Công an chính thức đổi tên thành BĐBP nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu, phát huy sở trường của các lực lượng, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, đánh bại mọi âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù. Sau này, lực lượng có vài lần chuyển giao giữa Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ và ngược lại để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng nhưng cái tên BĐBP được duy trì đến ngày nay.

Từ năm 1986, nước ta bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, nhưng các thế lực thù địch thường xuyên ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; thực hiện chiêu bài “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trước yêu cầu thời cuộc mới, công tác biên phòng cũng đặt ra những yêu cầu mới như vừa phải giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia vừa tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhân dân... Do đó, ngày 8-8-1995, Bộ Chính trị khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về xây dựng BĐBP trong tình hình mới. Bộ Chính trị cũng đánh giá tổng kết về lực lượng BĐBP. Trong đó có nêu: Từ ngày được thành lập đến nay, BĐBP đã trải qua một quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Trong mọi hoàn cảnh, BĐBP luôn khắc phục khó khăn, chịu đựng nhiều hy sinh, gian khổ để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ biên giới quốc gia, làm nòng cốt giữ gìn an ninh trật tự ở các vùng biên giới trên đất liền và biển đảo. Trong quá trình chiến đấu, BĐBP tích cực xây dựng cơ sở chính trị và thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, góp phần đoàn kết đồng bào các dân tộc, củng cố vùng biên giới của Tổ quốc ngày càng vững mạnh.

Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng xác định: Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo việc xây dựng Luật Biên giới quốc gia; Pháp lệnh về BĐBP và các văn bản pháp luật cần thiết khác làm cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của BĐBP. Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, trong đó Bộ Quốc phòng chủ trì làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh về BĐBP. Ngày 28-3-1997, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa IX đã thông qua Pháp lệnh BĐBP gồm 8 chương với 33 điều. Pháp lệnh được ban hành đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng, là cơ sở nền tảng để BĐBP tổ chức, xây dựng lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Pháp lệnh quy định, BĐBP đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trực tiếp là Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ và sự quản lý, chỉ huy của Bộ Quốc phòng... Đảng bộ biên phòng tỉnh, thành đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tỉnh ủy, thành ủy và sự hướng dẫn về công tác xây dựng đảng và công tác chính trị của cơ quan chính trị cấp trên. Chỉ huy trưởng hoặc chính ủy biên phòng tỉnh, thành được chỉ định tham gia đảng ủy quân sự tỉnh, thành.

Lực lượng BĐBP có nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên tuyến biên giới, BĐBP làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định. BĐBP hoạt động theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và theo các điều ước quốc tế có liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết tham gia... Theo Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 quy định Bộ Quốc phòng chỉ đạo BĐBP.

Quán triệt đường lối đổi mới của Đảng và thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Pháp lệnh BĐBP trong những năm qua Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP luôn tích cực, chủ động tham mưu Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản để tăng cường xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; xây dựng lực lượng BĐBP đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, BĐBP xác định biện pháp trinh sát là mũi nhọn, biện pháp vận động quần chúng là nền tảng chính trị; biện pháp vũ trang, kiểm soát hành chính, công trình kỹ thuật là quan trọng; đối ngoại biên phòng là biện pháp then chốt để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. Kết hợp chặt chẽ an ninh - quốc phòng, đối ngoại; lấy xây dựng nền biên phòng toàn dân làm nền tảng, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở khu vực biên giới, gắn với giúp đỡ nhân dân phòng, chống, khắc phục thiên tai...  BĐBP kết hợp chặt chẽ với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, gần dân, sát dân.

 Đại tá Nguyễn Văn Phương
Chính ủy BĐBP tỉnh Bình Phước

  • Từ khóa
3807

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu