Thứ 5, 25/04/2024 06:54:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:07, 24/08/2017 GMT+7

Qua trạm thu phí có vui vẻ?

Thứ 5, 24/08/2017 | 08:07:00 97 lượt xem
BP - Ngày 22-8, Trạm thu phí BOT Cai Lậy, thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đưa ra kế hoạch: “Nếu tài xế dùng tiền lẻ dừng tại cabin thu phí quá 30 giây sẽ được nhân viên và lực lượng chức năng mời ra phía ngoài làn chờ để đếm tiền, xé vé”. Giải pháp này đang khiến không chỉ tài xế mà dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Vì sao vấn đề lại trở nên “nóng” như vậy?

Trạm thu phí Cai Lậy đi vào hoạt động từ ngày 1-8-2017, nhưng ngay lập tức bị giới tài xế phản ứng quyết liệt. Cụ thể là dự án làm đường tránh QL1 qua thị trấn Cai Lậy và “tăng cường mặt đường” một đoạn QL1. Thế nhưng, trạm thu phí lại đặt trên QL1 nên nhiều xe không đi đường tránh cũng phải trả phí. Các tài xế đã phản đối bằng cách sử dụng tiền mệnh giá 200, 500 đồng hoặc 500.000 đồng để mua vé, dẫn đến ùn tắc giao thông nghiêm trọng và ngày 13-8 phải “xả trạm”. BOT Cai Lậy phải dừng hoạt động chờ quyết định của Bộ Giao thông - Vận tải. Ngày 16-8, Bộ Giao thông - Vận tải và chủ đầu tư thống nhất đưa ra giải pháp giảm và miễn phí với một số đối tượng bắt đầu thực hiện từ ngày 21-8. Đến lúc này, nhiều vấn đề nghiêm trọng lại được hé mở: Trong các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện dự án không có nội dung “tăng cường mặt đường” QL1 mà chỉ xây dựng tuyến đường tránh. Bộ Giao thông - Vận tải cũng “quên” không đề cập đến Trạm thu phí cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương chỉ cách Trạm thu phí Cai Lậy 30km. Tuyến đường tránh cũng biến 2 cây cầu theo thiết kế, thành 2 cống hộp khiến phương tiện giao thông đường thủy bị chia cắt...

Sau khi vấp phải chỉ trích dữ dội cũng như bị phanh phui nhiều “vấn đề”, đến ngày 22-8, trạm thu phí này vẫn chưa hoạt động trở lại mà chỉ đưa ra kế hoạch như đã nêu nhằm thăm dò phản ứng của dư luận và tài xế. Có thể thấy, chủ đầu tư và Bộ Giao thông - Vận tải đang vướng vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi dự án đã đầu tư 300 tỷ đồng thảm mặt đường QL1 và hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng 12km đường tránh. Nếu xem việc thảm thêm một lớp là bảo trì QL1 (thực tế là như vậy) thì dự án sẽ “bể” ngay lập tức. Vì khi đó phải sử dụng kinh phí từ quỹ bảo trì đường bộ (được ngân sách cấp và chủ phương tiện đóng góp hằng năm), đồng nghĩa không còn bất kỳ lý do gì để đặt trạm thu phí trên QL1. Còn đặt trạm trên đường tránh thì không biết đến bao giờ mới thu đủ vốn...

BOT là một trong những giải pháp hữu hiệu khi huy động được nguồn lực tư nhân tham gia phát triển hạ tầng giao thông, giảm gánh nặng cho ngân sách, hạn chế nợ công quốc gia... Ở Bình Phước, những dự án BOT đã làm thay đổi diện mạo, đột phá phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh. Nếu chỉ trông chờ ngân sách nhà nước mà không có các dự án BOT trên những tuyến đường huyết mạch, chắc chắn giao thông Bình Phước vẫn còn là một trở lực đối với phát triển kinh tế, thu hút đầu tư chứ không thể là một động lực như hôm nay. Vụ việc ở Cai Lậy cho thấy vấn đề không phải xuất phát từ hình thức đầu tư nào, mà là sự tính toán hợp lý, hài hòa, sao cho cả ba bên nhà nước, nhà đầu tư và người dân cùng có lợi. Đặc biệt là phải minh bạch, đúng pháp luật xuyên suốt dự án. Khi đó người dân sẽ vui vẻ trả tiền như hầu hết khi qua trạm thu phí giao thông BOT hiện nay, nhà đầu tư được nhìn nhận là bạn đồng hành của nhà nước và nhân dân. Ngược lại, nếu khuất tất, nhà nước sẽ giảm uy tín, còn nhà đầu tư sẽ bị xem như gian tham móc túi người dân.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu