Thứ 3, 16/04/2024 12:43:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 14:47, 29/09/2017 GMT+7

Quà tặng là “tình cảm” - nộp lại bằng cách nào?

Thứ 6, 29/09/2017 | 14:47:00 375 lượt xem

BP - Cổng thông tin điện tử của Chính phủ vừa công bố dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương và nhân dân trong cả nước. So với luật hiện hành, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới và được dư luận đánh giá cao, đồng thời kỳ vọng sau khi dự thảo được thông qua sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều bất cập, thậm chí có những quy định thiếu tính khả thi.

Cụ thể, tại Điều 26 trong dự thảo luật có 3 khoản với nội dung như sau: 1. Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. 2. Khi được tặng quà thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 điều này, cán bộ, công chức, viên chức phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trong trường hợp không thể từ chối được thì phải nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và công khai danh tính của người tặng quà. Việc quản lý, sử dụng quà tặng được nộp lại thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. 3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được tặng quà và nhận quà tặng dưới mọi hình thức, trừ trường hợp pháp luật khác có quy định. Khi được tặng quà và nhận quà tặng theo chế độ, định mức, tiêu chuẩn do pháp luật khác quy định thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải công khai việc tặng quà và nhận quà tặng.

Từ nội dung của Điều 26 cho thấy giữa Khoản 1 và hai khoản còn lại có sự mâu thuẫn và nếu được Quốc hội thông qua thì cũng không thể thực thi. Thứ nhất, tại Khoản 1 đã quy định rõ rằng: Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Thế nhưng Khoản 2 lại có quy định: Trong trường hợp không thể từ chối được thì phải nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình...Chưa hết, tại Khoản 3 có quy định rất khó hiểu là:... Khi được tặng quà và nhận quà tặng theo chế độ, định mức, tiêu chuẩn...Và bất cập, mâu thuẫn là ở chỗ cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức, nhưng nếu không thể từ chối được thì phải nộp lại quà tặng cho cơ quan...Nếu được tặng quà và nhận quà tặng theo chế độ, định mức, tiêu chuẩn do pháp luật khác quy định thì... phải công khai việc tặng quà và nhận quà tặng. Đã là quy định của pháp luật mà rào trước đón sau, hay nói đúng hơn là quy định nước đôi thì biết thực hiện như thế nào cho đúng?

Bất cập thứ hai là đoạn cuối Khoản 2, Điều 26 của dự luật có quy định: Việc quản lý, sử dụng quà tặng được nộp lại thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, nếu quà tặng là một hộp bánh trung thu trị giá 5 triệu đồng hay 1 giỏ sầu riêng trị giá vài triệu đồng hoặc 5kg thịt bò Nhật có giá thị trường 7 triệu đồng... theo quy định đã nêu thì tất cả quà tặng với mức trị giá như nêu trên phải đưa vào quản lý theo Luật Quản lý công, sử dụng tài sản tức là kê khai và đưa vào kho cất giữ. Đó là quà tặng bằng vật chất, còn có loại quà tặng không bằng vật chất nhưng có khi còn giá trị gấp nhiều lần vật chất đối với người nhận thì cất giữ bằng cách nào?

Thứ ba, Điều 3 của dự luật quy định về các hành vi tham nhũng, trong đó có hành vi nhận hối lộ và đưa hối lộ. Đối với trường hợp tặng quà hay đưa hối lộ và nhận hối lộ không bằng vật chất mà bằng tình cảm..., thì nộp lại bằng cách nào và nộp cho ai? Trong thực tế cuộc sống cho thấy, việc tặng quà hay đưa hối lộ bằng “tình cảm”..., đều rơi vào trường hợp “không thể từ chối được”, hoặc có từ chối hay không từ chối thì cũng chẳng có ai thấy được mà đối tượng lo sợ rồi khước từ! Dự luật còn có một quy định cũng khó thực thi nữa là một khi không thể từ chối và đã nhận quà tặng, nhận hối lộ bằng “tình cảm”, mà phải công khai danh tính của người tặng, người đưa hối lộ thì quả là vô cùng khó khả thi. Vì từ thượng cổ cho đến ngày nay, việc tặng quà, đưa hối lộ và nhận hối lộ bằng “tình cảm” chắc chắn đã xảy ra không ít, song từ Đông sang Tây chưa một ai làm điều này.

Thứ tư, tại Điều 3 của dự thảo luật đưa ra 12 hành vi tham nhũng, như sau: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm quyền trong khi thi hành công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài chính công, tài sản công; Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Nhũng nhiễu vì vụ lợi.

Trong khi đó, tại Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ quy định có 7 tội tham nhũng, gồm: Tội tham ô tài sản (Điều 353), Tội nhận hối lộ (Điều 354), Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355), Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356), Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357), Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358), Tội giả mạo trong công tác (Điều 359). Theo quy định nêu trên thì các hành vi tham nhũng không trùng với tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự thì xét xử như thế nào?

Bài viết dẫu sao cũng chỉ là suy nghĩ của cá nhân người viết và với kiến thức còn hạn hẹp nên chắc chắn sẽ có khiếm khuyết. Vì vậy, rất mong các chuyên gia pháp luật chân tình chỉ giáo.

Diệp Viên

  • Từ khóa
30155

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu