Thứ 5, 28/03/2024 19:23:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 12:23, 15/07/2016 GMT+7

Không phải bệnh lạ, cũng không quá nguy hiểm

Thứ 6, 15/07/2016 | 12:23:00 229 lượt xem

>> Đồng Phú xuất hiện chùm bệnh lạ
>> Nhận biết dấu hiệu ban đầu bệnh bạch hầu
>> Phòng bệnh bạch hầu
>> Đã xác định “thủ phạm” của chùm bệnh lạ tại Đồng Phú
>> [Video] Họp báo công bố dịch bạch hầu
>> 149 người dân trong vùng ổ bệnh được tiêm phòng bệnh bạch hầu

>> Bệnh bạch hầu bùng phát ở Đồng Phú: Cốt lõi là tiêm chủng chủ động và giám sát chặt chẽ

BP - Gần ba tuần qua, bệnh bạch hầu bùng phát ở 2 xã Thuận Lợi, Thuận Phú (Đồng Phú) làm 47 người bị nhiễm và đã có 3 người chết. Vấn đề nóng đến mức 17 giờ, ngày 14-7, khi tra từ khóa “Bệnh lạ ở Bình Phước” trên Google đã có trên 1,1 triệu kết quả chỉ trong 0,73 giây. Những thông tin chưa được kiểm chứng tràn lan trên mạng khiến người dân hoang mang về căn bệnh bạch hầu vốn đã biến mất cách đây nhiều năm. Vậy, bệnh này có thực sự nguy hiểm như một số thông tin báo mạng nêu hay không?

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do trực khuẩn có tên khoa học Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi sử dụng vật dụng chung. Bệnh có thể lành hoặc trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu khoảng 5-10% nhưng có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Để phòng bệnh bạch hầu, ngành y tế đang sử dụng biện pháp tốt nhất là tiêm vắc-xin. Chương trình tiêm chủng mở rộng từ lâu cũng đã được Bộ Y tế tiêm đủ 3 mũi vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, màng não cho tất cả trẻ em từ 2-4 tháng. Khi trẻ được 18 tháng tiếp tục được tiêm vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván để làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Hiện phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm ngừa cho cộng đồng. Bệnh sẽ không lây sau khi dùng kháng sinh đúng liều 48 giờ. Những ai tiếp xúc với người bệnh thì tiêm vắc-xin bạch hầu và điều trị bằng kháng sinh. Đây là liệu pháp tốt nhất mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng. Như vậy, bệnh bạch hầu không nguy hiểm như một số trang báo mạng đưa tin. Do xuất phát của ổ bệnh nằm ngay vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân còn chủ quan, thờ ơ với việc điều trị dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, trí tò mò của bạn đọc khi đọc bài báo viết “bệnh lạ” nên truy cập nhiều và tạo ra cơn sốt. Bởi bệnh bạch hầu đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 17 và hiện đã có vắc-xin phòng bệnh nên không có gì lạ.

Tại vùng phát bệnh, người dân hoang mang là vì 3 người bệnh chết đột ngột và các thông tin nhiễu loạn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu người bệnh sớm đến cơ sở y tế điều trị thì chắc chắn hậu quả sẽ không nghiêm trọng. Thực tế là sự chủ quan, ít hiểu biết của người dân đã làm số người bị nhiễm bệnh tăng cao trong thời gian ngắn.

 Để trấn an dư luận, ngoài việc phun thuốc phòng ngừa, ngành chức năng cần tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân vùng bệnh nếu có triệu chứng khác thường cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị. Chính quyền các cấp phải khoanh vùng ổ bệnh để khống chế sự lây lan và có phương án điều trị tận gốc cho người bệnh. Chính quyền địa phương phối hợp với ngành y tế để có thông tin chính xác, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, không để kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội, “xào nấu” thành chuyện giật gân câu khách gây hoang mang dư luận.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu