Thứ 6, 19/04/2024 16:11:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 08:05, 23/04/2013 GMT+7

Quá 1/2 hay 2/3

Thứ 3, 23/04/2013 | 08:05:00 43 lượt xem

* Tại Khoản 2, Điều 64 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 2. Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân, góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn của người Việt Nam; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Theo ý kiến của cá nhân tôi, quy định như trên là đúng nhưng chưa đầy đủ, chưa toàn diện. Vì phát triển văn học nghệ thuật chỉ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là khập khiễng, nếu sự phát triển ấy không gắn liền với nhiệm vụ củng cố quốc phòng - an ninh. Vì thế, tôi đề xuất ở phần cuối của khoản này cần bổ sung cụm từ “củng cố quốc phòng - an ninh”. Tuy nhiên, ở trước cụm từ này cần có thêm dấu phẩy. Như vậy, Khoản 2, Điều 64 được viết lại như sau: 2. Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân, góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn của người Việt Nam; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.

lTại Điều 64, ở Khoản 3 có ghi: 3. Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có văn hóa, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Ở phần cuối của khoản này tôi đề nghị bỏ cụm từ: “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, thay vào đó bằng cụm từ: “sống và làm việc tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật”. Vì nếu chỉ là “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, thì chưa gắn được trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân với việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Do đó, Khoản 3, Điều 64 được viết lại như sau: Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có văn hóa, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, sống và làm việc tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật.

* Ở Điều 2 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định:

“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân...”. Đồng thời, tại Điều 3 trong dự thảo cũng có ghi: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân,...”. Thế nhưng, tại Khoản 1, Điều 90 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 1. Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, trừ trường hợp Hiến pháp quy định phải có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa phù hợp, vì nó chưa thực sự bảo đảm được “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.

Ai cũng biết, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở nước ta và là cơ quan duy nhất có quyền ban hành pháp luật. Mà mọi văn bản luật sau khi có hiệu lực thi hành sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của toàn dân. Vì vậy, các văn bản pháp luật cần phải được đại đa số đại biểu của nhân dân nhất trí và biểu quyết đồng ý thông qua. Bởi lẽ, tất cả các đại biểu Quốc hội đều là đại biểu của nhân dân, là những người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Vì vậy, không có lý do gì lại chỉ cần có quá nửa (tức là chỉ cần tỷ lệ 51/49) trong tổng số đại biểu của nhân dân nhất trí là đã được thông qua. Trong khi đó, số đại biểu còn lại với tỷ lệ 49/51 không đồng ý thông qua, nhưng văn bản pháp luật đó vẫn được thông qua. Và điều này cũng có nghĩa là một dự luật còn có tới tỷ lệ 49/51 tổng số đại biểu của dân, hay nói một cách khác là còn tới tỷ lệ 49/51 dân cả nước không nhất trí, nhưng nó vẫn được áp dụng vào thực tiễn đời sống.

Hệ lụy của những văn bản pháp luật còn có nhiều ý kiến trái chiều thì tất nhiên sẽ dẫn đến còn có kẽ hở. Vì thế sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm, lách luật, chống đối, khiếu kiện, biểu tình như thời gian vừa qua. Cũng chính vì thế mà thời gian qua có nhiều văn bản luật vừa mới ban hành đã lỗi thời, bất cập, khó đi vào thực tiễn hoặc phải sớm sửa đổi bổ sung. Và Luật Đất đai hiện hành là một minh chứng. Nói tóm lại, theo quan điểm của cá nhân tôi không thể coi là dân chủ khi luật chưa được nhân dân góp ý và còn có tới tỷ lệ 49/51 tổng số đại biểu của nhân dân không đồng ý. Hơn nữa, với tỷ lệ 49/51 nhưng đã được thông qua thì khó có thể nói là đã thực sự dân chủ. Vì vậy, tôi đề nghị Khoản 1, Điều 90 trong dự thảo cần được sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: “1.Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, trừ trường hợp Hiến pháp quy định phải được nhân dân đóng góp và có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành”.

Luật gia:  N.V

  • Từ khóa
108202

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu