Thứ 4, 24/04/2024 22:32:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:45, 21/10/2014 GMT+7

QH thảo luận tại tổ ĐBQH về kinh tế xã hội: Cần một số quyết sách để thoát khỏi tình trạng trì trệ

Thứ 3, 21/10/2014 | 16:45:00 1,247 lượt xem
BPO - Sáng 21-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Tại tổ TPHCM, các đại biểu thống nhất nhận định, mặc dù nền kinh tế đã “thoát đáy”, nhưng tiến độ phục hồi khá chậm chạp, chưa bền vững.

Cần một số quyết sách để thoát khỏi tình trạng trì trệ 

 Nhận định rằng kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nhất ASEAN hiện nay (154%), nên những tác động của tình hình quốc tế có thể tạo ra những cú sốc cho nền kinh tế, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị thận trọng, “tính kỹ xem có nên mở tiếp ồ ạt hay không”. 

TS Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý rằng, GDP nước ta trong 4 năm qua bình quân chỉ tăng 5,4%/ năm; dù có nhích lên qua từng năm song vẫn là giai đoạn trì trệ nhất trong nhiều năm trở lại đây…Đồng tình với nhiều kiến nghị trong Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra, song ĐB phân tích: “Trong điều kiện chỉ số đầu tư ICOR của Việt Nam vẫn ở mức cao như hiện nay, muốn tăng trưởng 6,2% trở lên mà tổng đầu tư xã hội dự kiến chỉ tương đương 30% GDP là không khả thi. Theo tính toán của ông, để đạt được mục tiêu như Chính phủ dự kiến thì ICOR phải thấp dưới 5%, trong khi thực tế ICOR “tốt nhất cũng là 5,5% trong suốt 10 năm qua”.

ĐB Trần Du Lịch tỏ rõ thái độ sốt ruột. Ông nói: “Kinh tế vẫn quá yếu, khỏe không ra khỏe, bệnh không ra bệnh. Nhưng đọc tất cả báo cáo thì không thấy có quyết sách gì đột phá. Giải pháp nào nghe cũng đúng, nhưng tác động không rõ ràng. Khát vọng của chúng ta là trở thành một nước công nghiệp phát triển; ta ở một vị thế địa chính trị mà buộc phải mạnh lên thì mới giữ vững chủ quyền, đảm bảo an ninh chính trị, xã hội. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng những năm gần đây của ta còn kém cả Lào, Campuchia, Myanmar. Mà đó là chưa nói đến chất lượng tăng trưởng”.

ĐB Trần Du Lịch. Ảnh: Lã Anh.

Cho rằng vấn đề chính hiện nay là làm sao tăng được tổng cầu, ĐB Du Lịch bức xúc: “Thủ tục giải ngân hiện nay nhiêu khê khủng khiếp, làm nghẽn đủ thứ. Phải xử lý quy trình thủ tục liên quan đến giải ngân”. Vẫn theo ông, lãi suất trung hạn còn cao so với lạm phát; cần phải giảm lãi suất trung hạn xuống. NHNN phải giảm lãi suất tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại; đồng thời NHTM cũng phải tiết giảm để lãi suất đầu ra ở mức chấp nhận được.

Đặc biệt, ông Trần Du Lịch cho rằng, nợ xấu hiện nay đã vượt quá khả năng tự giải quyết của ngân hàng. “Chính phủ phải ra tay xử lý trong thời gian ngắn nhất, tránh “di căn”. Mục tiêu năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống 3% là đúng đắn, nhưng nếux thế thì phải có những giải pháp nào mạnh mẽ hơn? Tôi không thấy báo cáo nào đề xuất. Thế mới có tình trạng 7 năm ngân hàng không bán nổi một cái nhà thế chấp. Nợ xấu là chuyện thị trường, phải giải quyết bằng giải pháp thị trường.  ĐBQH Trần Du Lịch quả quyết: “QH cần ra nghị quyết về một số quyết sách thoát trì trệ, dù có phải “chịu đau”.

Có quan điểm khá lạc quan, ĐB Đặng Thành Tâm cho rằng, tình hình kinh tế quý 3 vừa qua đạt khá, quý 4 sẽ tốt hơn, lãi suất đã hạ ở mức chấp nhận được; Chính phủ cũng đã cho phép vay các dự án khả thi không cần tài sản thế chấp; giúp “đẩy” tín dụng ra nhanh hơn. Theo ông, lạm phát thấp quá cũng không tốt; chỉ cần xác định lạm phát mục tiêu thấp hơn GDP; lãi suất thấp hơn một chút hoặc bằng tỷ lệ tăng GDP là hợp lý. Ông Tâm lưu ý yêu cầu phát triển thị trường chứng khoán một cách lành mạnh, coi thị trường này như chiếc nhiệt kế đích thực của nền kinh tế.

Trong khi đó, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh đề nghị phân tích kỹ hơn về số liệu doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản và số thành lập mới để đánh giá đúng thực trạng.

Về tình hình xã hội, Phó Chánh án Toà án nhân dân TPHCM Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng, tệ nạn ma túy đang gia tăng, trong khi thủ tục đưa người đi cai nghiện tập trung thông qua phán xử của Tòa án rất phức tạp, rất nhiều trường hợp không đưa đi cai nghiện được. “Cho nên luật pháp phải dựa trên cơ sở thực tế. Quyền được im lặng, rất tốt, nhưng chúng ta hiện có bao nhiêu luật sư, nếu tạm giữ người đến hàng tuần để đợi luật sư đến thì có được không?”, ông Ánh băn khoăn.

Thuốc đặc trị, có không?

Đó là câu hỏi day dứt từ ĐB Trương Trọng Nghĩa. Vẫn ĐB Nghĩa tự trả lời:Tôi thấy chưa có. Giải pháp nào cũng đã nêu từ mấy năm trước. Nhưng đến giờ vẫn thấy hai điểm nổi lên rất rõ là tăng trưởng dưới tiềm năng và việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu chưa tiến triển thực chất. Có vẻ như thuốc đã kê đúng, nhưng chưa được dùng nghiêm nên hiệu quả thấp.

Ông Nghĩa cũng nói thêm rằng, có lẽ chuyện phòng chống tham nhũng sẽ được mổ xẻ trong các báo cáo khác, nhưng bản thân ông rất băn khoăn về việc “tham nhũng mỗi năm không biết đã ngốn hết bao nhiêu % GDP”.
 
Còn theo Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, việc chi thường xuyên tăng cao; nợ công chạm ngưỡng an toàn trong khi khả năng trả nợ không cao, dẫn đến tình trạng đi vay để đảo nợ  là một số những điểm rất cần sự quan tâm thích đáng của Quốc hội để xử lý căn cơ.

“Chúng ta luôn đặt ra yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí, giảm biên chế; nhưng chi thường xuyên lại tăng nhanh; chiếm đến 65 – 72% tổng chi. Nợ công cao - đáng lo rồi - nhưng còn đáng lo hơn là hiệu quả sử dụng vốn vay như thế nào? Các nước Mỹ hay Nhật tỷ lệ nợ công cũng cao, nhưng khoản chi trả nợ của họ chỉ chiếm 10-15% GDP thôi, còn chúng ta thì phải vay đảo nợ. Mà chi thường xuyên cao, trả nợ cao thì đâu còn để chi đầu tư?”, đồng chí Lê Thanh Hải nhận định và nhấn mạnh, đây là một trong những khâu đột phá. Bí thư Thảnh ủy TPHCM thẳng thắn nhìn nhận, muốn tạo điều kiện để khai thông, thu hút đầu tư, thì phải đơn giản hóa thủ tục hành chính; nhưng tiến trình này vẫn quá chậm; chưa tạo được lòng tin và khuyến khích được các nhà đầu tư…

Nguồn SGGP

  • Từ khóa
11919

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu