Thứ 6, 19/04/2024 06:58:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:55, 13/03/2014 GMT+7

Phương án thi tốt nghiệp THPT và những bất cập

Thứ 5, 13/03/2014 | 07:55:00 142 lượt xem

Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa chính thức thông báo về những điểm mới được điều chỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2014. Hiện nay, Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đang xem xét bố trí lịch thi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tổ chức các Hội đồng thi, giúp học sinh có thể phát huy hết khả năng của mình.

Theo điều chỉnh mới này, Bộ GD-ĐT đưa ra 4 phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT để lấy ý kiến đóng góp của các trường và đông đảo phụ huynh trong cả nước. Theo đó, với phương án 1, bộ sẽ tổ chức thi trong 2 ngày (4 buổi) và mỗi buổi thi hai môn. Phương án 2, các thí sinh sẽ thi trong 2,5 ngày (5 buổi), trong đó có hai môn là Toán và Ngữ văn sẽ thi riêng trong một buổi. Phương án 3 là tổ chức thi trong 3 ngày (6 buổi), trong đó có các môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Sinh học thi riêng trong một buổi. Phương án thứ 4 là bộ sẽ tổ chức thi trong 4 ngày (8 buổi), trong đó mỗi môn thi được tổ chức riêng một buổi như những năm trước. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ở ba phương án đầu, trong mỗi buổi có hai môn thi, thời gian trống giữa mỗi ca thi là 75 phút để Hội đồng thi hoàn tất công việc của môn thi trước và triển khai thực hiện thi môn tiếp theo.

Theo công bố của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, các thí sinh sẽ phải làm bài thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn tự luận (thời gian thi 120 phút) và hai môn thí sinh sẽ được quyền tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học (trắc nghiệm 60 phút), Lịch sử, Địa lý (tự luận với thời gian thi là 90 phút) và Ngoại ngữ (viết luận, trắc nghiệm 60 phút). Nếu như mọi năm, việc xét công nhận tốt nghiệp chỉ dựa trên điểm thi tốt nghiệp, năm nay điểm thi chỉ chiếm trọng số 50%, 50% còn lại là điểm học lực của thí sinh trong năm lớp 12. Bộ GD-ĐT nêu rõ, thay việc chỉ sử dụng kết quả thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp, năm nay sẽ sử dụng kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 cộng với kết quả của 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá 50/50).

Tuy nhiên, ngay sau khi các phương án tổ chức thi trên được công bố đã có rất nhiều ý kiến chỉ ra những bất cập của việc này. Đơn cử như, nếu điểm tổng kết trung bình lớp 12 của học sinh A là 8 điểm, trong khi điểm thi tốt nghiệp chỉ đạt 2 điểm và khi cộng lại rồi chia đôi thì vẫn được 5 và học sinh này vẫn đủ điểm tốt nghiệp. Hoặc điểm thi của em B chỉ có 4 điểm, cộng với 6 điểm học tập thì học sinh B cũng vẫn tốt nghiệp. Bên cạnh đó, nếu điểm tổng kết năm học được tính bằng điểm học kỳ hai nhân đôi, rồi cộng với điểm tổng kết học kỳ một và mang chia cho 3. Như vậy, điểm ở học kỳ hai sẽ có vai trò quyết định. Hơn nữa, để đạt được 6 điểm tổng kết ở lớp 12 là việc không khó, chưa kể tiêu cực có thể phát sinh. Đồng thời, điều này sẽ dẫn đến việc giáo viên ra đề kiểm tra dễ hơn, nhằm cứu những học sinh có kết quả học tập không cao sẽ tránh được nỗi lo trượt tốt nghiệp.

Một bất cập nữa là nếu để các em tự chọn 2 môn thì các em sẽ tập trung vào những môn có sở trường để vừa thi tốt nghiệp, vừa hướng đến sự lựa chọn nghề nghiệp trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng sau đó, còn các môn khác sẽ bị các em bỏ rơi. Đồng thời, việc để cho học sinh tự chọn hai môn thi sẽ khiến nhà trường vất vả hơn trong tổ chức ôn tập cho các em và công tác tổ chức thi cũng phiền hà hơn. Chừng nào những bất cập trên được khắc phục thì những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp ở năm đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới giáo dục mới thực sự mang lại hiệu quả.

N.V

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu