Thứ 4, 24/04/2024 16:34:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:27, 16/01/2015 GMT+7

Phước Long với giấc mơ hoa

Thứ 6, 16/01/2015 | 08:27:00 233 lượt xem
BP - Năm 2014, giá trị sản xuất nông nghiệp của thị xã Phước Long đạt 407 tỷ đồng, tăng 9,26% so với năm 2013. Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp của thị xã giai đoạn 2011-2020 sẽ tăng giá trị sản xuất bình quân cho cả giai đoạn là 5,18%. Để từng bước đạt chỉ tiêu này và nâng cao giá trị nông sản trên đơn vị diện tích canh tác, Phước Long đang đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân.

TỪ MỚ CẢI, LUỐNG RAU

Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn, anh Nguyễn Văn Lâm ở khu phố Sơn Long, phường Sơn Giang đã trích 1 sào đất trong tổng số 1 ha trồng lúa của gia đình để chuyển sang trồng rau. Trừ chi phí, mỗi lứa rau cho thu gần 20 triệu đồng, tương đương nguồn thu trồng 1 ha lúa cả năm.

Gia đình anh Nguyễn Văn Lâm chuyển 1 sào đất trồng lúa sang trồng rau cho thu nhập tương đương 1 ha đất trồng lúa

Sau thử nghiệm trồng rau của gia đình anh Lâm, cả khu phố có trên 30 nông hộ cũng chuyển hình thức canh tác từ lúa sang rau. Tùy giống rau, từ khi trồng đến khi thu hoạch dao động 2-3 tháng. Lợi nhuận sau mỗi lứa rau bình quân đạt 15-20 triệu đồng. Cá biệt có những nhà vườn đầu tư nhà lưới để trồng thì lợi nhuận tăng đến 15 triệu đồng/tháng dù chỉ canh tác trên vỏn vẹn 1 sào đất.

Sau 17 năm gắn bó với nghề trồng rau, ông Lã Văn Tái ở khu phố Sơn Long cho biết, để có đầu ra ổn định, người trồng phải thủy chung với nghề. Trước hết là đeo bám quan điểm làm sao cho cây rau thật sạch. “Mình muốn ăn rau sạch thì người mua cũng muốn như vậy. Có thể 1 tháng, 2 tháng, thậm chí cả năm người mua không nhận diện được thế nào là rau sạch thì người trồng phải chứng minh được cây rau mình làm ra là sạch. Ăn hoài, người mua sẽ biết được rau của mình an toàn là họ tự tìm đến” - nhà nông Lã Văn Tái chia sẻ kinh nghiệm tìm đầu ra cho luống rau của gia đình.

Trưởng phòng Kinh tế thị xã Phước Long, Nguyễn Ngọc Sanh cho biết, để làm ra được mỗi ký rau sạch, giá thành bao giờ cũng cao hơn cách làm rau truyền thống. Nhưng khi mang ra chợ, giá bán của rau ngang nhau. Thị xã đang tập trung đầu tư và tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người trồng rau lẫn người tiêu dùng. Năm 2013, Phòng kinh tế phối hợp Trạm bảo vệ thực vật tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn cho 70 nông hộ tại xã Long Giang. Năm 2014 tập huấn cho 35 nông hộ tại phường Sơn Giang. Điều đáng mừng là hầu hết các hộ sau khi tham gia lớp tập huấn đều áp dụng quy trình kỹ thuật khá thành công. Giá trị cây rau từ đó được nâng lên. Người tiêu dùng cũng bắt đầu ý thức được rau an toàn đối với sức khỏe của mình.

ĐẾN GIẤC MƠ HOA

Năm 2010, tổng diện tích cây trồng hàng năm của thị xã Phước Long chỉ 155 ha. Năm 2015, thị xã phấn đấu đưa diện tích cây trồng hàng năm tăng lên 1.492 ha; đến năm 2020, diện tích này sẽ tăng lên gấp 3 lần với 3.963 ha. Nhìn vào con số này, rõ ràng Phước Long đang kỳ vọng lớn ở diện tích cây trồng hàng năm. Tuy nhiên, Phước Long hoàn toàn có cơ sở để đưa diện tích cây hàng năm tăng vọt trong những năm tới nhờ giá trị sản phẩm nông nghiệp trên cùng đơn vị diện tích canh tác. “Sau mỗi vụ lúa, 1 ha chỉ cho thu nhập 5-7 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi sào rau lại cho thu đến 15 triệu đồng/lứa. Nguồn thu này sẽ tăng gấp đôi nếu mỗi sào trồng rau được chuyển sang trồng hoa” - nhà nông Đinh Văn Chương ở khu phố Sơn Long nhận định.

Mỗi sào đất trồng hoa lay ơn của anh Đinh Văn Chương cho thu gấp 2 lần trồng rau trong nhà lưới

Gia đình anh Đinh Văn Chương di cư từ tỉnh Đồng Nai lên khu phố Sơn Long từ năm 2000, mang theo nghề trồng hoa huệ và lay ơn. Dù gia đình có đến 2 ha đất trồng cây lâu năm như điều, tiêu và cà phê nhưng cứ đến gần cuối năm, gia đình anh lại thuê đất để trồng hoa. Mỗi sào đất trồng hoa huệ hay lay ơn bán trong dịp tết cổ truyền cho thu lãi 30-40 triệu đồng. Những năm mất mùa, mất giá chí ít cũng cho lãi đến 20 triệu đồng/sào sau 2-2,5 tháng chăm sóc. Anh cho rằng, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của thị xã Phước Long rất thích hợp để trồng hoa. Đặc biệt là nguồn nước tự nhiên được lấy từ núi Bà Rá rất tốt để nghề trồng hoa cất cánh.

ĐỂ GIẤC MƠ THÀNH HIỆN THỰC

Mỗi sào đất trồng hoa phải đầu tư từ 40 đến 60 triệu đồng. Vì vậy, không phải nhà nông nào cũng có đủ điều kiện để chuyển trồng rau sang trồng hoa dù biết lợi nhuận khá cao. Cái khó của người trồng hoa trên địa bàn Phước Long hiện nay là chưa chủ động được nguồn giống.

Theo anh Chương, mỗi sào đất trồng hoa lay ơn phải đầu tư đến 40 triệu đồng tiền giống. Muốn có giống phải lên tận Đà Lạt (Lâm Đồng). Bên cạnh đó, trồng cây lay ơn, cây huệ hay bất kỳ cây hoa nào cũng cần có kinh nghiệm và kỹ thuật mới cho hoa như ý muốn. Dù đã có 15 năm trồng hoa trên vùng đất Phước Long nhưng gia đình anh vẫn không thể tạo được cây giống.

Người Đà Lạt sẵn sàng bán hạt để người dân nhân củ, sau đó mua lại củ để nhân giống rồi lại bán cho người trồng. Cây lay ơn, cây huệ của người dân Đà Lạt, Đức Trọng hay Bảo Lộc, Bảo Lâm thuộc tỉnh Lâm Đồng cứ khoe hoa dài cả 30-40cm. Còn cây hoa của mình trồng chỉ thấy toàn lá, lá phủ kín che khuất những cánh hoa nên khó hấp dẫn người mua. Trong khi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Phước Long khá tương đồng với các huyện Bảo Lâm, Đức Trọng hay Di Linh, Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng). Anh Đinh Văn Chương cũng như bao người trồng hoa của thị xã Phước Long mơ ước mình có được quy trình kỹ thuật trồng hoa như người dân Lâm Đồng để biến những luống rau thành những cánh đồng hoa...  

Đông Kiểm

  • Từ khóa
92546

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu