Thứ 5, 28/03/2024 21:53:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:11, 10/01/2016 GMT+7

Phú Văn vượt khó xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật, 10/01/2016 | 13:11:00 2,130 lượt xem
BP - Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), bên cạnh kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các xã phải huy động nội lực, chung tay góp sức của tổ chức xã hội, cá nhân trên địa bàn. Xã Phú Văn (Bù Gia Mập) có 33,4% số dân là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo 9,79%, dù đã có cách làm hay nhưng nhiều tiêu chí vẫn khó đạt.

Tìm cách nâng cao thu nhập

Phó chủ tịch UBND xã Phú Văn, Lê Đào Thanh Hải cho biết: Hai tiêu chí khó đạt của xã là thu nhập và môi trường. Hiện thu nhập bình quân toàn xã 19,8 triệu đồng/người/năm. Ban quản lý đề án xây dựng NTM của xã đang từng bước tìm giải pháp gỡ khó. Nhờ lồng ghép các chương trình, chuyển giao khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, nhiều hộ đã phát huy nội lực để tăng thu nhập.

Với thế mạnh đất đai, Phú Văn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trong vườn điều, thực hiện tốt phòng dịch, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm. Đến nay, toàn xã đã phát triển đàn gia súc, gia cầm lên 73.200 con, trong đó có 700 con trâu, bò, 2.500 con heo, 70 ngàn con gia cầm.

Người dân thôn 1 bàn chọn những công trình cần thiết trong xây dựng nông thôn mới

Trong năm 2015, xã phối hợp với Trung tâm Thủy sản tỉnh thả 6.000 con giống cá lăng nha đuôi đỏ xuống lòng hồ thủy điện Thác Mơ và hỗ trợ giống cho 29 hộ trong tổ thủy sản nuôi cá lồng bè tại thôn 1. Anh Nguyễn Văn Hùng (thôn 1) cho biết: “Gia đình tôi làm nhà bè sống ở hồ thủy điện Thác Mơ. Thu nhập chủ yếu, từ đánh bắt cá tự nhiên. Tổ thủy sản nuôi cá lồng bè thôn 1 được thành lập tháng 11-2014. Năm 2015, gia đình tôi được hỗ trợ cá giống, tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng bè. Nhờ đó gia đình tôi có thu nhập ổn định, cùng với sự giúp đỡ của người thân, làng xóm nên đã vươn lên thoát nghèo”.

Trước thực trạng vườn cà phê, điều của người dân già cỗi, sử dụng giống không chọn lọc nên năng suất rất thấp, xã kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện Bù Gia Mập xây dựng mô hình ghép chồi, “trẻ hóa” vườn cà phê già cỗi, cải tạo vườn điều tạp để tăng năng suất. Những kỹ sư nông nghiệp ngày ngày lặn lội với đồng bào DTTS xuống tận vườn cà phê ghép chồi mới trên những thân cây già cỗi, hướng dẫn người dân nhân rộng sang các vườn khác, đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Cà phê trồng mới ít nhất 3 năm cho trái bói nhưng với cách làm mới, chỉ 1 năm cây đã cho thu hoạch với năng suất cao. Bước đầu mang lại thành công, nhiều hộ đã đến học hỏi, tranh thủ các nguồn vốn để áp dụng, tăng thu nhập cho gia đình.

Khơi sức dân làm đường giao thông

Xã Phú Văn có địa hình rộng, đa số đường nông thôn chưa được cứng hóa. Trong khi người dân nơi đây chủ yếu có mức sống trung bình, địa bàn có rất ít doanh nghiệp. Vì vậy, việc huy động vốn lớn từ sức dân để làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng gặp không ít khó khăn. Trưởng thôn 1 Hồ Văn Triều kể lại: “Trước đây, các tuyến đường liên thôn lầy lội, sạt lở, trời mưa nước không thoát kịp nên ngập cả vào nhà. Hiểu được lợi ích của việc xây dựng NTM, từ năm 2013 đến nay, người dân trong thôn đã đóng góp 280 triệu đồng đổ đá ở đoạn đường trơn trượt; làm mới 200m đường cấp phối sỏi đỏ; láng nhựa 940m đường từ thôn 1 qua thôn 2 (đây là tuyến đường nhà nước và nhân dân cùng làm, vốn đầu tư 900 triệu đồng, người dân đóng góp 200 triệu đồng). Nhiều người tự nguyện hiến đất, góp tiền, góp sức khơi thông mương, rãnh để xây dựng con đường khang trang.

Ông Nguyễn Mãn (72 tuổi, thôn 1) cho biết: Năm 2015, sau khi tham gia họp dân, tôi tự nguyện góp 200 ngàn đồng để làm gương cho con cháu. Chị Mai Thị Tình ở cùng thôn nói: Họp dân biết được làm đường nhựa thoát khỏi cảnh lầy lội, trơn trượt, tôi rất mừng. Dù thu nhập thấp nhưng tôi vẫn vay mượn và góp 900 ngàn đồng làm đường. Số tiền này, tôi trả góp dần trong 3 tháng mới hết nhưng nếu nhà nước tiếp tục đầu tư làm các đoạn đường còn lại, tôi vẫn sẽ góp thêm để con em có đường bằng phẳng đi học.

Phó chủ tịch UBND xã Lê Đào Thanh Hải cho biết thêm: Phú Văn thuộc xã giai đoạn 3 đầu tư nông thôn mới nên chưa được phân bổ vốn. Tuy nhiên, năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã đạt 8/19 tiêu chí. Khó khăn nhất ở Phú Văn là thực hiện tiêu chí môi trường, do thói quen sinh hoạt của người dân vùng sâu, xa. Hiện xã chỉ có 1 tổ thu gom rác tự phát bằng xe ba gác trên trục đường chính ĐT760. Đa số đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thay đổi cách nghĩ, cách làm về bảo vệ môi trường, vệ sinh xung quanh nhà và chưa xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn.

Tuyết Ly

  • Từ khóa
1270

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu