Thứ 7, 20/04/2024 22:23:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:48, 21/11/2019 GMT+7

Phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống

Thứ 5, 21/11/2019 | 14:48:00 140 lượt xem
BP - Thời gian qua, để cụ thể hóa phong trào, nhiệm vụ, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã hướng dẫn chi hội trực thuộc xây dựng nhiều mô hình hoạt động hiệu quả nhằm thu hút, nâng cao đời sống hội viên. Tuy nhiên, mới đầu các mô hình hoạt động rất sôi nổi nhưng càng về sau càng “nhạt” do thiếu thay đổi về cả nội dung lẫn hình thức. Để các mô hình phát huy hiệu quả lâu dài rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên và sự thay đổi từ chính mỗi đoàn viên, hội viên.

Phù hợp và thiết thực

Ở địa bàn vùng sâu, xa nên Chi hội phụ nữ thôn Đắk U, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập rất khó triển khai các phong trào, nhiệm vụ. Nguyên nhân do hầu hết phụ nữ trong thôn đều là công nhân khai thác mủ cao su, một số đi làm xa nhà nên việc tập hợp rất khó. Chị Lê Thị Bích Liên, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Đắk U cho biết: Phần lớn các gia đình trong thôn đều có vườn rẫy nên rất cần công lao động, nhất là giai đoạn kiến thiết vườn cây và thu hoạch. Vì vậy, năm 2017, chi hội thống nhất thành lập mô hình Tổ phụ nữ lao động tự quản thôn Đắk U nhằm hỗ trợ ngày công cho những hộ hoàn cảnh khó khăn.

Tổ phụ nữ lao động tự quản thôn Đắk U, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập vần đổi công tại vườn rẫy của hội viên

Để mô hình hoạt động hiệu quả, Ban chủ nhiệm chủ động liên hệ với những hộ có nhiều vườn rẫy cần nhân công thu hoạch điều, tiêu, cà phê... Tổ phụ nữ lao động tự quản thôn Đắk U lấy tiền công thấp hơn so với giá thị trường và tiền công được làm quỹ giúp chị em hoàn cảnh khó khăn vay không lấy lãi hoặc hỗ trợ hội viên nghèo. Sau 2 năm thực hiện, tổ đã làm được 165 ngày công với số tiền 11 triệu đồng giúp 2 chị vay không lấy lãi để đầu tư chăn nuôi và buôn bán nhỏ. Ngoài ra, tổ còn làm giúp không lấy tiền 55 ngày công cho những chị khó khăn, bệnh tật. Sau một thời gian thực hiện, mô hình đã thay đổi nhận thức, thói quen của chị em, chuyển từ lao động tự phát cá nhân sang liên kết sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Chị Lê Thị Quyến, hội viên phụ nữ đội 3, thôn Đắk U chia sẻ: Chị em thường đi cạo mủ cao su buổi sáng nên chi hội tổ chức vần công vào buổi chiều. Chị em chia nhóm, mỗi nhóm 10 người cùng xạc cỏ, làm bồn, hái tiêu nên rất vui. Thỉnh thoảng có chị em trong thôn gặp khó khăn như chị Vũ Thị Sơn ở đội 5, con bị tai nạn giao thông nặng, tổ tự nguyện đến thu hoạch cà phê, không lấy tiền công. Đối với gia đình hội viên, tổ lấy tiền công rẻ hơn so với giá thị trường nên chị em thấy thiết thực và tham gia ngày càng đông.

Để mô hình duy trì hiệu quả 

Khi mới thành lập, hầu hết các câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ đều xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động tương đối chặt chẽ, rõ ràng; nội dung, hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú; duy trì sinh hoạt định kỳ theo tháng hoặc quý/lần. Các câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ có chế độ thu - chi quỹ rõ ràng, cụ thể, có sổ sách theo dõi; thành viên ban chủ nhiệm, tổ trưởng, tổ phó, nhóm trưởng, nhóm phó là những người nhiệt tình, trách nhiệm, có uy tín và đa số là cán bộ chi, tổ phụ nữ. Thông qua hoạt động của câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ, các thành viên được nâng cao nhận thức về mọi mặt; được học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh và xây dựng gia đình hạnh phúc; được hỗ trợ, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, chị em tham gia rất đông.

Chị Đặng Xuân Nhạn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đồng Tiến (Đồng Phú) cho biết: Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn xã đã thành lập các mô hình như: Liên kết trồng rau sạch, Gia đình phát triển bền vững, Xung kích phòng chống bạo lực gia đình, Vì phụ nữ và trẻ em, Phụ nữ 4 phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, 5 không, 3 sạch, Tuyến đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp, Tuyến đường hoa. Hiện các mô hình này vẫn hoạt động nhưng nếu phát huy hết hiệu quả sẽ đóng góp rất lớn cho phong trào của từng khu dân cư nói riêng và địa phương nói chung. Điển hình ở lĩnh vực kinh tế, Tổ phụ nữ liên kết trồng rau sạch của Chi hội phụ nữ ấp 1 và ấp Cầu Hai (với 21 thành viên) đã khẳng định hiệu quả bởi mô hình ngày càng được mở rộng, tạo nên thương hiệu rau sạch của xã; sản phẩm có đầu ra ổn định tại các chợ ở Bù Đăng, Đồng Xoài, các nhà hàng và đem về thu nhập ổn định bình quân 9 triệu đồng/tháng cho nhiều chị em. Ở lĩnh vực xây dựng gia đình, hoạt động của 9 câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” tại 9 ấp đã góp phần đẩy lùi bạo lực gia đình, giúp các hộ tập trung phát triển kinh tế, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Tại các ấp có địa chỉ tin cậy còn phát huy tốt vai trò là những địa chỉ tạm thời cho người bị bạo hành lánh nạn, đồng thời nhận được sự trợ giúp kịp thời.

Tuy nhiên, hiệu quả mô hình ở mỗi giai đoạn là khác nhau, bởi theo thời gian, kế hoạch hoạt động, nội dung sinh hoạt của các tổ, câu lạc bộ chậm thay đổi nên nghèo nàn; hình thức sinh hoạt chỉ dừng lại ở mức độ triển khai, phổ biến, thông tin và giao lưu văn hóa, văn nghệ, chưa lồng ghép hoạt động của hội vào các hoạt động của mô hình. Chưa kể kỹ năng tuyên truyền, vận động tập hợp hội viên của một số cán bộ hội cơ sở, thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ, tổ trưởng, nhóm trưởng còn hạn chế.

Để các mô hình duy trì hoạt động hiệu quả, các cấp hội phụ nữ cần thường xuyên rà soát, đánh giá chính xác thực trạng, tình hình hội viên, mô hình tập hợp trên địa bàn và có định hướng, hướng dẫn cụ thể. Cải tiến hệ thống sổ sách theo dõi, quản lý, mô hình tập hợp hội viên; nâng cao chất lượng tài liệu sinh hoạt hội viên. Đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng điều hành cho các tổ trưởng, tổ phó và ban chủ nhiệm câu lạc bộ. Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng quỹ tổ, câu lạc bộ để có kinh phí duy trì tổ chức hoạt động hiệu quả...

Phương Dung

  • Từ khóa
45111

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu