Thứ 4, 17/04/2024 02:18:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:39, 17/01/2018 GMT+7

Phụ nữ Đức Lập học Bác “tiết kiệm”

Thứ 4, 17/01/2018 | 13:39:00 2,068 lượt xem
BP - Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thời gian qua, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đã có nhiều mô hình phụ nữ tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo được Chi hội phụ nữ thôn Đức Lập, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) triển khai hiệu quả, góp phần giữ vững tiêu chí nông thôn mới.

Chị Đặng Thị Nhung, tổ 2 Chi hội phụ nữ thôn Đức Lập nhận gạo hỗ trợ từ mô hình tiết kiệm của hội viên

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp đầu mỗi quý, Chi hội phụ nữ thôn Đức Lập lại tổ chức quyên góp gạo hỗ trợ hội viên hoàn cảnh khó khăn. Theo bình xét, trong quý 1/2018, chi hội có 2 hội viên được hỗ trợ, trong đó có hộ chị Đặng Thị Nhung (tổ 2). Thuộc diện hộ nghèo của xã, gia đình chị Nhung rất khó khăn, đất rẫy ít, 2 con còn nhỏ, đứa lớn đang tuổi ăn học, đứa nhỏ bị dị tật bẩm sinh 6 năm nay không thể đi lại được. Chị phải thường xuyên ở nhà chăm sóc con nên mọi chi phí sinh hoạt gia đình, thuốc cho con đều phụ thuộc vào công lao động bấp bênh của chồng. Trước hoàn cảnh khó khăn của chị, Chi hội phụ nữ thôn đã hỗ trợ gần 20kg gạo. Tuy không nhiều song đó là tấm lòng, sự sẻ chia quý báu từ chị em hội viên, giúp gia đình chị bớt đi lo toan trong cuộc sống và có thêm động lực để vươn lên. Chị Nhung xúc động: “Gia đình khó khăn lắm, nay được hội viên trong chi hội giúp tôi cảm thấy rất xúc động. Phần quà này giúp gia đình tôi vơi bớt khó khăn và cũng là động lực để cố gắng vươn lên. Tôi mong thời gian tới sẽ có nhiều chị em khó khăn được giúp đỡ”.

Việc học và làm theo Bác gắn với mô hình tiết kiệm giúp nhau mà Chi hội phụ nữ thôn Đức Lập triển khai ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn do chị em chưa hiểu hết ý nghĩa. Song bằng sự gương mẫu đi đầu và tích cực tuyên truyền, giải thích của cán bộ hội đã giúp chị em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của phong trào, từ đó tích cực hưởng ứng. Vậy là mỗi ngày sau khi đi chợ về, chị em lại tiết kiệm từ 1-2.000 đồng bỏ vào heo đất, mỗi buổi nấu cơm bớt lại ít gạo cho vào hũ. “Tích tiểu thành đại”, đến kỳ sinh hoạt sẽ mang số gạo ấy góp cùng những chị em khác để giúp hội viên hoàn cảnh khó khăn. Riêng heo đất, mỗi hội viên nuôi 1 con và tập trung khui vào dịp 20-10 hằng năm, gom tiền làm sổ tiết kiệm tặng chị em nghèo.

Thấy việc làm ý nghĩa nên các chị em trong chi hội tự nguyện đóng góp, số tiền tiết kiệm được tăng dần theo từng năm. Những phần quà giúp đỡ tuy giá trị chưa lớn, song chứa đựng trong đó là tình cảm sẻ chia với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của chị em chi hội. Món quà trao đi, niềm hạnh phúc nhận lại, là sợi dây gắn kết chị em, tình làng nghĩa xóm. Bà Bùi Thị Toan, tổ 3, thôn Đức Lập nói: “Các phong trào, hoạt động tiết kiệm được chi hội phát động tôi thấy rất ý nghĩa. Gia đình tôi trước kia cũng gặp nhiều khó khăn, nay có chút dư dả nên ngoài việc nuôi heo đất, tiết kiệm “Hũ gạo tình thương”, tôi cũng góp vốn xoay vòng, giúp chị em hoàn cảnh khó khăn hơn mình được vay vốn phát triển sản xuất. Khi cuộc sống của chị em được cải thiện, tôi cảm thấy vui và hạnh phúc”.

Từ năm 2012-2017, các mô hình tiết kiệm “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương”, “Tạo vốn xoay vòng”... được Chi hội phụ nữ thôn Đức Lập triển khai đã tiết kiệm được 82,628 triệu đồng, cùng 734kg gạo và hơn 132,6 triệu đồng vốn xoay vòng được huy động đã giúp hàng chục lượt hội viên khó khăn có thêm điều kiện thuận lợi vươn lên ổn định cuộc sống. Với ý nghĩa thiết thực từ các phong trào, chị em tham gia tổ chức hội cũng tăng lên đáng kể, từ 45 hội viên (năm 2012) lên 84 hội viên (năm 2017). Đời sống vật chất, tinh thần của chị em được nâng lên, chỉ còn 6 hộ nghèo. Đây là động lực quan trọng để tập thể Chi hội phụ nữ Đức Lập tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, góp phần duy trì, giữ vững tiêu chí nông thôn mới mà Phú Nghĩa đạt được năm 2016.

Bên cạnh những kết quả Chi hội phụ nữ thôn Đức Lập đạt được trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, còn nhiều cơ sở hội phụ nữ trong huyện đã và đang tiếp tục duy trì với mô hình, việc làm cụ thể, thiết thực, ý nghĩa. Việc làm đó không chỉ góp phần vào thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương mà còn tạo sự chuyển biến tích cực trong rèn luyện đạo đức, giữ gìn lối sống, đổi mới phương thức hoạt động trong tổ chức hội.

Phạm Công - Văn Nguyên

  • Từ khóa
2071

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu