Thứ 7, 20/04/2024 22:46:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:01, 05/10/2015 GMT+7

Phú Nghĩa: Cầm cố đất, bán điều non đã giảm

Thứ 2, 05/10/2015 | 07:01:00 241 lượt xem
BP - Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh diễn ra khá “nóng” tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cầm cố, sang nhượng đất, bán điều non, vay nặng lãi. Các cuộc thỏa thuận, mua bán ngầm chỉ bằng giấy viết tay. Đến khi không có tiền trả, họ đã bị siết nợ hoặc ép bán đất với giá “bèo”. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên giờ đây, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) đã hạn chế rất lớn tình trạng này, nhiều hộ dân đã lấy lại được đất sản xuất.

GIÚP DÂN LẤY LẠI VƯỜN ĐÃ CẦM CỐ

Căn nhà lụp xụp của gia đình ông Điểu Nát ở đội 3 Đắk U lại càng rách nát hơn khi đang vào mùa mưa, gió to nước tạt vào vách lồ ô đã mục. Từ hộ nghèo, gia đình ông chuyển thành hộ cận nghèo vào cuối năm 2014. Các con của ông không có điều kiện học tập đến nơi đến chốn, lớn lên theo cha mẹ đi làm thuê. Công việc theo mùa vụ, thu nhập bấp bênh nên nghèo khó bủa vây.

Anh em anh Điểu Hem chăm chỉ lao động trên vườn điều cầm cố đã lấy lại được

Năm 2011, gia đình ông đã vay 45 triệu đồng với lãi suất 50%/tháng của một người cùng xã. Không có tiền trả nên đầu năm 2015, gia đình ông đã bị chủ nợ siết vườn điều 1 ha. Ông làm đơn khiếu nại lên UBND xã Phú Nghĩa nhờ can thiệp giữ đất sản xuất. UBND xã đã cử cán bộ phối hợp Ban điều hành đội 3 Đắk U đến tận nhà xác minh vụ việc, đồng thời làm việc với chủ nợ để vận động, thuyết phục họ trả lại đất. Chủ nợ đã chấp nhận trả đất cho hộ ông Điểu Nát với điều kiện gia đình ông phải trả cả gốc, lãi là 219 triệu đồng. Anh Điểu Hem (con trai ông Điểu Nát) nói: Nhờ chính quyền can thiệp kịp thời, gia đình tôi đã lấy lại được vườn. Hiện chúng tôi đang canh tác ổn định. Gia đình tôi sẽ chăm chỉ lao động để trả nợ, giữ được đất sản xuất.

Năm 2010, một đối tượng ở cùng xã đã thầu khoán vườn điều non 1,4 ha của chị Thị Lan ở thôn Bù Gia Phúc I 38 triệu đồng/3 năm. Việc bán điều non bằng giấy viết tay do bên nhận khoán giữ. Hết 3 năm nhưng đối tượng không chịu trả lại vườn cho chị Lan mà vẫn tiếp tục thu hoạch điều. Tháng 8-2014, chị Lan làm đơn khiếu nại lên UBND xã. Qua nhiều cuộc hòa giải, cuối năm 2014, đối tượng nhận khoán đã phải trả vườn điều cho chị Lan.

Không giấu được niềm vui, chị Thị Lan nói: “Thời điểm đó, trong thôn có nhiều nhà cho thầu khoán điều non nên tôi đã làm theo để trả món nợ làm nhà và xây chuồng nuôi heo. Nhờ chính quyền xã can thiệp, tôi mới lấy lại được rẫy điều. Chỉ vì tin tưởng mà tôi suýt mất vườn”.

Anh Điểu Lên, Đội phó đội 3 Đắk U than phiền: Đội có 130 hộ, trong đó 83 hộ là đồng bào DTTS. Cả đội có 5 hộ cầm cố, sang nhượng đất và bán điều non. Trình độ dân trí vùng đồng bào còn thấp, nhiều người trong độ tuổi lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, thanh niên đua đòi, lêu lổng dẫn đến vay nặng lãi, cầm cố đất, bán điều non lấy tiền tiêu xài. Ban điều hành đội đã đến từng nhà hoặc lồng ghép vào những buổi sinh hoạt để tuyên truyền, vận động người dân giữ đất sản xuất, chịu khó lao động, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN
ĐỂ NGƯỜI DÂN NÂNG CAO NHẬN THỨC

Theo khảo sát của cán bộ dân tộc - tôn giáo xã, Phú Nghĩa có 144 hộ bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất với diện tích 190,5 ha. Trong đó, 101 hộ bán điều non với tổng 154,6 ha, 5 hộ bán đất ở, 19 hộ bán đất sản xuất với 22,3 ha và 19 hộ cầm cố 14,6 ha đất.

Ban điều hành đội 3 Đắk U đến vận động gia đình anh Điểu Hem chịu khó lao động, giữ đất sản xuất

Nhờ tuyên truyền tốt nên những năm gần đây, số hộ làm đơn khiếu nại lên UBND xã giải quyết ngày càng nhiều. Anh Hoàng Văn Tình, cán bộ địa chính kiêm tiếp công dân của xã cho biết: Từ năm 2012 đến nay, xã tiếp nhận 39 đơn khiếu nại của người dân liên quan đến cầm cố, sang nhượng đất và bán điều non. Xã đã giải quyết được 35 vụ, còn lại đang xử lý theo trình tự. Nhận được đơn, chúng tôi phối hợp với ban điều hành thôn đến từng nhà xác minh vụ việc, kết hợp tuyên truyền, thuyết phục đồng bào chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND, ngày 15-9-2010  của UBND tỉnh về việc tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Sau đó, xã tổ chức hòa giải để phân tích đúng, sai và các điều khoản hai bên được hưởng, chịu thiệt trong từng vụ việc; đồng thời 2 bên cam kết không tái diễn.
 

Trước hết, chúng tôi huy động già làng, người có uy tín trong vùng DTTS phối hợp với ban điều hành thôn nắm bắt tình hình, đồng thời tuyên truyền cho dân hiểu về lợi ích của việc giữ đất sản xuất và những chiêu lừa đảo của kẻ xấu để tránh bị lợi dụng. Sau xác minh, xử lý vụ việc, chúng tôi cử công an xã theo dõi để can thiệp kịp thời, tránh bị tái lấn chiếm đất.

Ông Đặng Sỹ Oánh, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa

Ông Đặng Sỹ Oánh, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết: Xã có 37% đồng bào DTTS, trong đó khoảng 2/3 số hộ cầm cố, sang nhượng đất và bán điều non diễn ra trong thời gian khá dài, phức tạp. Đối tượng cầm cố, sang nhượng đất ở trong và ngoài xã, có vụ kéo dài nhiều năm do cùng một mảnh đất nhưng sang nhượng qua nhiều người. Hiệu quả bước đầu, số vụ cầm cố đất, bán điều non, sang nhượng, bán đất đã giảm đáng kể và ý thức người dân trong việc giữ đất sản xuất cũng được nâng cao. Ông Oánh đề nghị, cấp có thẩm quyền và ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau quy hoạch 3 loại rừng để người dân có cơ hội tiếp cận vốn vay từ ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất.

Hải Châu

  • Từ khóa
92734

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu