Thứ 5, 25/04/2024 16:55:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:51, 13/12/2018 GMT+7

Phụ cấp cán bộ thôn, ấp và cấp GCNQSDĐ làm nóng nghị trường

Thứ 5, 13/12/2018 | 08:51:00 1,733 lượt xem
BP - Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa IX diễn ra trong 2 ngày 10 và 11-12 đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn. Một trong những vấn đề cử tri rất quan tâm tại các kỳ họp HĐND là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Và lần này, nội dung chất vấn lại liên quan trực tiếp đến hàng ngàn cán bộ ở thôn, ấp, khu phố cũng như hàng ngàn trường hợp làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), nên càng thu hút sự quan tâm hơn của cả cử tri, đại biểu lãnh đạo tỉnh và chủ tọa kỳ họp.

>> Khai mạc kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX
>> Tinh thần mới, khí thế mới để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (*)
>> Lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu
>> [Video] Khai mạc kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX
>> Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu
>> Rút ngắn thời gian làm việc kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX
>> Nóng vấn đề phụ cấp cán bộ thôn, ấp
>> [Video] Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX
>> [Video] Bế mạc kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX: Chống nhũng nhiễu trong bộ máy hành chính
>> Bế mạc kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX: Cắt giảm triệt để chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư

Mới có 3/11 đơn vị phê duyệt đề án phát triển đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức người dân tộc thiểu số

Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thành Chương đã giải trình về khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới và vì sao sở chưa tham mưu UBND tỉnh triển khai, thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg.

Sau khi Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thành Chương trả lời, đại biểu Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết: Trước khi có Quyết định số 402/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 449/QĐ-TTg về việc này và UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Vì thế, cho dù không có Quyết định số 402/QĐ-TTg, nhiệm vụ này vẫn phải tiến hành. Việc triển khai chậm, cần xem xét trách nhiệm của Ban Dân tộc tỉnh.

Ông Nguyễn Thành Chương, Giám đốc Sở Nội vụ trả lời chất vấn

Thay mặt Thường trực HĐND tỉnh điều hành kỳ họp, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho rằng: Trả lời chất vấn và ý kiến của đại biểu Điểu Điều là chính xác. Sở Nội vụ đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Từ năm 2016, Sở Nội vụ đã ban hành văn bản hướng dẫn nhưng đề án mới chỉ có 3/11 đơn vị phê duyệt, lại là 3 đơn vị không phải trọng điểm về vấn đề dân tộc thiểu số (Đồng Xoài, Đồng Phú, Chơn Thành), các đơn vị còn lại phải nghiêm túc xem xét trách nhiệm của mình.

Chỉ vì cách... 2 bước chân

Về việc tham mưu UBND tỉnh ban hành và hướng dẫn thực hiện Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND ngày 21-9-2018 của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung của quy định ban hành kèm theo Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND ngày 24-3-2016 của UBND tỉnh (quy định chế độ phụ cấp đối với các chức danh không chuyên trách ở cấp xã, thôn), sau khi giải trình về các nội dung trong quyết định, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thành Chương đề xuất: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xem xét thời điểm áp dụng thực hiện Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND từ ngày 1-1-2019 (không cắt phụ cấp từ ngày 1-10-2018) để các huyện, thị xã, thành phố chủ động trong việc sắp xếp, thực hiện. Giao Sở Tài chính xây dựng đề án khoán kinh phí hỗ trợ chi hoạt động cho các đoàn thể chính trị ở cấp xã, thôn, khu phố trình cấp thẩm quyền thông qua để tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động hiệu quả (thực hiện từ năm 2019) và đề xuất sử dụng kinh phí khoán chi phụ cấp cho các chức danh không chuyên trách, chức danh phụ trách mặt trận và các đoàn thể ở thôn, ấp, khu phố còn lại sau khi đã chi phụ cấp cho từng chức danh này.

Không thỏa mãn với ý kiến trả lời của Giám đốc Sở Nội vụ, đại biểu Lã Thị Thu Hương, Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh chất vấn: Quá trình xây dựng Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND, UBMTTQVN tỉnh không nhận được góp ý. Việc bỏ chức danh và phụ cấp chức vụ trong Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND dựa trên căn cứ pháp lý nào?

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thành Chương trả lời: Sở đã gửi lấy ý kiến góp ý của UBMTTQVN tỉnh, không biết vì sao UBMTTQVN tỉnh không nhận được, sở sẽ kiểm tra lại và làm nghiêm túc việc này. Về việc bỏ chức danh và phụ cấp ở thôn, ấp, khu phố, nếu bãi bỏ phụ cấp thì để chức danh cũng vô nghĩa. Hiện có nhiều quy định chưa đầy đủ, mỗi địa phương thực hiện một khác. Sau này tỉnh sẽ sơ, tổng kết và có đánh giá.

Nhận thấy ý kiến trả lời của Giám đốc Sở Nội vụ chưa đầy đủ, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Quang Toản có ý kiến: Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND nhận được sự phản đối mạnh mẽ của đối tượng liên quan trên toàn tỉnh và có làn sóng xin nghỉ làm công tác mặt trận, đoàn thể ở cơ sở. Khi ban hành quyết định, theo quy định, đối tượng chịu ảnh hưởng phải được lấy ý kiến, nhưng Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND đã không lấy ý kiến cán bộ, ban mặt trận thôn, ấp... Cần làm rõ Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND bãi bỏ chức danh ở thôn, ấp hay bãi bỏ phụ cấp của chức danh...

Ông Nguyễn Quang Toản, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh: ...Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND đã không lấy ý kiến cán bộ, ban mặt trận thôn, ấp...

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Trần Ngọc Trai đã làm rõ hơn vấn đề này: Thời gian hiệu lực thi hành Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND từ ngày 1-10-2018 là đúng quy định nhưng không hợp lý. Bởi như Bộ luật Lao động, Luật Viên chức, muốn chấm dứt hợp đồng cũng phải thông báo trước 4 tháng, việc bãi bỏ phụ cấp liên quan đến nhiều người, chỉ sau 10 ngày ký ban hành là quá nhanh và từ ngày 1-10-2018 kho bạc nhà nước căn cứ vào quyết định của UBND tỉnh sẽ không giải ngân được nguồn ngân sách này, nếu dời lại từ ngày 1-1-2019 như đề xuất của Sở Nội vụ hay thời điểm khác, thì phải giải quyết được vấn đề này.

Đối với việc bãi bỏ chức danh, phụ cấp, quyết định của UBND tỉnh chỉ có thể bỏ phụ cấp chứ không thể bỏ được chức danh, vì chức danh trong quy định này được quy định bởi luật và quy định của Trung ương. Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND quy định không rõ ràng, cần phải được sửa lại cho chính xác, không để suy diễn.

Về việc này, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền lưu ý: Việc để xảy ra phản ứng đối với Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND là không nên, đặc biệt trong thời điểm hiện nay. Sở Nội vụ và UBMTTQVN tỉnh chỉ cách nhau 2 bước chân (2 cơ quan liền kề nhau) mà việc lấy ý kiến không thực hiện được phải thẳng thắn rút kinh nghiệm. Thực hiện Đề án 999 của Tỉnh ủy, tỉnh sẽ chấp hành nghiêm quy định, chỉ đạo của cấp trên. Thực hiện đề án có nhiều khó khăn, rất cần sự đồng thuận cao trong toàn bộ hệ thống chính trị của toàn tỉnh.

“Sở GD-ĐT sẽ rút kinh nghiệm”

Đối với ý kiến chất vấn: “Hằng năm, hội nghị tổng kết năm học theo các khối, cấp học được tổ chức và thường tổ chức ngoài tỉnh, nhất là các tỉnh du lịch và được chia thành nhiều hội nghị như hội nghị khối tiểu học, hội nghị khối THCS, hội nghị khối THPT. Đề nghị cho biết quy định nào để thực hiện, ngân sách tỉnh có chi trả cho hoạt động này không?” Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Lý Thanh Tâm trả lời: Những năm học vừa qua, Sở GD-ĐT có tổ chức các hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm học riêng cho từng bậc học mầm non, tiểu học, trung học (bao gồm cả THCS và THPT) kết hợp với tổng kết công tác thanh tra, khảo thí và kiểm định chất lượng trong năm học... Khoảng 3 năm học gần đây, Sở GD-ĐT đã tổ chức các hội nghị tổng kết năm học ở các tỉnh, thành phố lớn và có nhiều thành tựu trong công tác phát triển giáo dục như Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu... để học tập kinh nghiệm, đổi mới giáo dục... Về kinh phí, Sở GD-ĐT thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành, ngân sách tỉnh chỉ thanh toán chế độ đi lại, phòng nghỉ và công tác phí cho cán bộ, công chức Sở GD-ĐT, còn lại kinh phí của các thành viên tham gia do đơn vị tự đảm bảo trong nguồn kinh phí hoạt động. Để góp phần tiết kiệm kinh phí cho ngân sách, Sở GD-ĐT sẽ rút kinh nghiệm và không tổ chức các hội nghị tổng kết ở ngoài tỉnh như các năm học trước đây.

Về ý kiến chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Thuyên, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, hiện nay các trường yêu cầu học sinh mặc đồng phục mỗi trường một kiểu, gây tốn kém và phụ huynh không hài lòng, bất tiện khi chuyển trường..., Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Lý Thanh Tâm cho biết tiếp thu ý kiến sẽ chỉ đạo các trường chỉ nên quy định như quần đen, áo trắng là được.

Năm 2019 có thể cấp được 70% GCNQSDĐ tách ra khỏi lâm phần

Sau khi Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Lê Hoàng Lâm giải trình về tiến độ cấp GCNQSDĐ đối với quỹ đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần theo quy hoạch 3 loại rừng, đại biểu Nguyễn Hồng Trà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh sau khi chia sẻ với thành viên UBND tỉnh Lê Hoàng Lâm vì mới nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, song cũng thẳng thắn đặt câu hỏi: Đã qua 3 kỳ họp HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường đều hứa sẽ hoàn thành chỉ tiêu cấp 90% GCNQSDĐ đối với đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần, nhưng đến nay mới được khoảng 30%. Vì sao việc cấp GCNQSDĐ cho rất nhiều hộ dân sinh sống nhiều năm trên đất lâm nghiệp ở Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Đăng và một số huyện khác không thực hiện được?

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Lê Hoàng Lâm cho biết: Không thoái thác trách nhiệm của người tiền nhiệm, nhưng việc cấp GCNQSDĐ theo mục tiêu đặt ra 90% rất khó khăn vì còn nhiều vướng mắc, phần diện tích chồng lấn cần đo đạc lại, một bộ phận người dân không hợp tác, không tới lấy giấy... Hiện sở đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy nhanh tiến độ hơn trong thời gian tới.

Không nhất trí với nội dung trả lời, đại biểu Nguyễn Hồng Trà tiếp tục có ý kiến: Cử tri phản ánh không được làm GCNQSDĐ, nhưng trên nghị trường, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường trả lời người dân không đến lấy sổ, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cần làm rõ và có giải pháp như thế nào về việc này? Vấn đề đề cập không phải là đất chồng lấn, mà là trường hợp người dân sinh sống trên đất lâm nghiệp đã hơn 20 năm, sở có giải pháp gì và khi nào đạt được chỉ tiêu cấp 90% GCNQSDĐ?

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Lê Hoàng Lâm trả lời: Trường hợp người dân sinh sống trên đất lâm nghiệp đã hơn 20 năm do lịch sử để lại và liên quan đến các quy định của Trung ương. Sở sẽ xin ý kiến lãnh đạo, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND và có tham mưu cụ thể. Sở đang thực hiện tổng hợp một số giải pháp, đúng tiến độ năm 2019 có thể cấp được 70% GCNQSDĐ tách ra khỏi lâm phần.

Trần Phương

  • Từ khóa
25067

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu