Thứ 4, 24/04/2024 19:08:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 15:09, 07/11/2018 GMT+7

“Phòng vệ chính đáng” và “Tình thế cấp thiết”

Thứ 4, 07/11/2018 | 15:09:00 541 lượt xem
BPO - Bộ luật Hình sự năm 2015 đươc sửa đổi bổ sung năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Trong bộ luật này có quy định cụ thể về hai chế định “Phòng vệ chính đáng” và “Tình thế cấp thiết”. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay có không ít người chưa phân biệt rõ bản chất của hai chế định này. Vì vậy, bài viết dưới đây không ngoài mục đích cùng bạn đọc tìm hiểu rõ nội hàm của hai chế định này.

Điểm giống nhau:

Trước hết, cả hai chế định này đều xuất phát từ việc thực hiện hành vi với mục đích đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác. Đồng thời, đều là tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi nên trong cả dân sự hay hình sự thì hai trường hợp này đều không khiến người gây thiệt hại bị truy cứu trách nhiệm.

Ngoài ra, trong pháp luật dân sự cũng có quy định về loại trừ trách nhiệm dân sự cho 2 hành vi trên cũng như chủ thể thực hiện 2 hành vi cũng không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thiệt hại xảy ra. Và trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự/dân sự và phải bồi thường thiệt hại mình gây ra.

Những điểm khác nhau:

Xét về khái niệm: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Còn tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Về nguồn nguy hiểm dẫn đến hành vi, đối với phòng vệ chính đáng thì nguồn nguy hiểm dẫn đến phòng vệ chính đáng là những hành vi nguy hiểm của con người xâm phạm đến lợi ích chính đáng của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác. Với tình huống cấp thiết thì nguồn nguy hiểm có thể do hành vi của con người gây ra. Ngoài ra, nguồn nguy hiểm dẫn đến tình thế cấp thiết có thể còn là sự nguy hiểm do: thiên tai, do súc vật, do sự cố kỹ thuật,… gây ra.

Về phương thức thực hiện, đối với phòng vệ chính đáng là chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm (chống trả lại một cách cần thiết nguồn nguy hiểm). Đối với tình thế cấp thiết là gây ra một thiệt hại khác nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa từ nguồn nguy hiểm.

Về thiệt hại xảy ra, đối với phòng vệ chính đáng thì người phòng vệ chính đáng được gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm phạm đến lợi ích hợp pháp ở mức độ cần thiết (không bắt buộc phải nhỏ hơn thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra). Đây là mức độ đủ khả năng loại trừ hành vi xâm phạm của người tấn công. Mức độ cần thiết có thể là ngang bằng hoặc mức độ thiệt hại lớn hơn so với thiệt hại do hành vi tấn công gây ra miễn là cần thiết để loại trừ hành vi tấn công chứ không quá mức, quá đáng. Để đánh giá mức độ cần thiết cần căn cứ tương quan lực lượng giữa bên tấn công và bên phòng chính đáng, căn cứ vào công cụ phương tiện được dùng, vào mỗi quyết tâm của bên tấn công.

Đối với tình thế cấp thiết thì mức độ thiệt hại do người thực hiện hành vi trong tình thế cấp thiết gây ra bắt buộc phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Người khắc phục tình trạng nguy hiểm trong tình thế cấp thiết phải lựa chọn cách khắc phục sự nguy hiểm, cân nhắc đánh giá thiệt hại do chính mình gây ra.

Về đối tượng của hành vi phòng vệ chính đáng là người phòng vệ chính đáng gây ra thiệt hại cần thiết cho chính người đang có hành vi xâm phạm lợi ích hợp pháp chứ không gây thiệt hại cho người khác. Đây là căn cứ loại trừ được nguồn gốc nguy hiểm, bảo vệ được lợi ích hợp pháp, chống tình trạng lợi dụng danh nghĩa phòng vệ chính đáng để vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho xã hội.

Với đối tượng của hành vi tình thế cấp thiết là trong tình thế cấp thiết đối tượng bị hành vi khắc phục tình trạng nguy hiểm thiệt hại là một lợi ích. Tuy nhiên, pháp luật không cho phép gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe người khác để khắc phục tình trạng nguy hiểm trong tình thế cấp thiết.

Xét dưới góc độ ưu tiên lựa chọn thực hiện thì, phòng vệ chính đáng là không bắt buộc là lựa chọn cuối cùng của người phòng vệ chính đáng. Còn với tình thế cấp thiết là phải là lựa chọn cuối cùng (không còn cách nào khác để ngăn chặn thiệt hại xảy ra).

NV

  • Từ khóa
31405

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu