Thứ 4, 24/04/2024 11:24:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 17:11, 13/06/2018 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2018)

Phóng sự ảnh: Tác nghiệp ở Trường Sa

Thứ 4, 13/06/2018 | 17:11:00 300 lượt xem

BP - Dường như tất cả những người đã “trót theo” nghiệp làm báo, thì chắc chắn trong đời cầm bút của mình ai cũng mong muốn được một lần đặt chân đến Trường Sa - vùng hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Được nếm vị mặn đặc biệt của vùng biển ở thềm lục địa phía Nam, được nghe tiếng chuông chùa giữa biển khơi, quan trọng hơn là được gặp gỡ, giao lưu và được viết về những người lính đảo thực sự là hạnh phúc đối với những người làm báo.

Anh bạn đồng nghiệp ở VTV có vinh dự được 2 lần đến Trường Sa đã nói với tôi: Ngày nay, với những người có điều kiện thì họ sẽ đi khắp thế giới để khám phá, trải nghiệm bằng các tour du lịch. Nhưng chắc chắn họ sẽ không dễ dàng có được những giờ phút hít thở không khí trong lành giữa mênh mông trời biển ở Trường Sa. Và như thế, họ sẽ chẳng thể có được giây phút chứng kiến cảnh vào mỗi buổi chiều, có một khối lửa tròn khổng lồ từ từ chìm dưới đáy biển và sáng hôm sau khối lửa ấy lại từ từ nhô lên giữa muôn trùng sóng biếc...

Đoàn công tác số 4 năm 2018 ra thăm quân, dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 khởi hành vào đầu tháng 4. Hải đoàn gồm 250 thành viên, đến từ các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, An Giang và Vĩnh Phúc. Nhà báo đi theo đoàn có khoảng 20 người, đến từ các cơ quan báo chí khác nhau, gồm: VTV, VOV và báo, đài phát thanh - truyền hình của 6 tỉnh như đã nêu. Và không chỉ với riêng tôi, mà với tất cả đồng nghiệp trên cùng chuyến tàu đều có chung cảm nhận: Tác nghiệp ở Trường Sa vất vả hơn bất cứ nơi đâu nhưng đó lại là khoảng thời gian quý giá trong đời và những kỷ niệm không bao giờ quên.

Đến bất cứ đảo nào, sau khi tàu buông neo, anh em báo chí luôn được vào danh sách những người xuống các chuyến xuồng đầu. Đó là sự chuẩn bị chu đáo của Bộ tư lệnh Hải quân, nhằm tạo điều kiện cho các nhà báo có thể chủ động “chứng kiến” được toàn bộ “quy trình” một chuyến thăm đảo, cũng như có thêm thời gian để chuyện trò giao lưu cùng lính đảo, với mong muốn đem đến cho độc giả, khán thính giả những tác phẩm báo chí tâm huyết nhất... Mặc dù mỗi khi bước xuống những chiếc xuồng nhỏ để vào đảo, chúng tôi bị sóng lắc nhồi liên tục, đi tay không đã thấy mệt và nguy hiểm, huống hồ chúng tôi còn luôn phải mang bên mình máy ảnh, camera, laptop, sổ ghi chép...

Trường Sa và những người lính đảo kiên cường, những người dân thuần hậu, là nguồn đề tài vô tận cho người cầm bút. Chính vì thế, những ngày ở Trường Sa, tôi cảm thấy rõ trái tim mình đã hòa chung nhịp đập với từng ngọn sóng vỗ về vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Người được các nhà báo luôn theo sát là Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, Đại tá Bùi Đình Dương. Trong ảnh: Các nhà báo đang phỏng vấn Đại tá Bùi Đình Dương, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa tại đảo Trường Sa Lớn.

Đến với Trường Sa, các thành viên trong đoàn công tác không quên tìm kiếm, gặp gỡ và trao đổi với những cán bộ, chiến sĩ là người cùng quê. Trong ảnh: Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Phúc đang phỏng vấn, ghi hình một cán bộ là người Vĩnh Phúc công tác tại đảo Song Tử Tây.

Thượng úy Nguyễn Hương Giang là nhà báo duy nhất của Báo Hải quân tháp tùng đoàn công tác ra Trường Sa. Dù vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng Hương Giang có sức khỏe và nhanh nhẹn đến mức nhiều đồng nghiệp nam phải nể. Mỗi khi có xuồng vào các đảo, không lần nào Hương Giang vắng mặt. Trong ảnh, nhà báo Hương Giang đang tác nghiệp trên boong tàu 561.

Khi mọi người trong đoàn đã chuyển đồ và lên tàu 561 thì cũng là lúc các phóng viên quay phim bắt đầu tác nghiệp. Họ tranh thủ ghi lại hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân thực hiện nghi lễ tiễn đoàn công tác ra Trường Sa. Trong ảnh: Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa tác nghiệp tại cầu cảng Cam Ranh.

Vừa bước chân lên đảo Thuyền Chài A, nhà báo Hưng Cát và Nguyễn Tấn của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước đã tìm gặp để phỏng vấn, ghi hình một chiến sĩ là người con của quê hương Bình Phước đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đảo.

Một trong những công việc của các thủy thủ trên tàu 561 được các nhà báo chú ý và quan tâm nhiều là chuyện lo cho cái “bao tử” của cả đoàn công tác. Trong ảnh: Phóng viên Hoài Thu của Báo Khánh Hòa đang phỏng vấn một “anh nuôi” ngay tại boong tàu.

Các nhà báo được ưu tiên xuống xuồng vào đảo trước để có thêm thời gian gặp, tìm hiểu về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ. Trong ảnh: Một chuyến xuồng chở các nhà báo từ tàu 561 vào đảo An Bang.

Công việc vất vả, nguy hiểm nhất đối với nhà báo khi tác nghiệp ở Trường Sa là lúc quay phim, chụp hình nghi thức thả lễ vật và vòng hoa xuống biển trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại thềm lục địa phía Nam. Nghi thức này chỉ diễn ra trong vòng 3-5 phút, vì thế, một số nhà báo phải xuống xuồng, chấp nhận sóng nhồi để có được những tấm ảnh đẹp. Trong ảnh: Các nhà báo chụp hình, quay phim cảnh thả lễ vật xuống biển.

T.H

  • Từ khóa
94392

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu