Thứ 6, 29/03/2024 04:33:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:48, 08/01/2016 GMT+7

Tham nhũng - phòng hơn chống

Thứ 6, 08/01/2016 | 09:48:00 1,198 lượt xem
BP - Tham nhũng là “căn bệnh” có thể diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Để phòng, chống tham nhũng (PCTN) rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành và toàn dân. Ngay sau ngày tái lập tỉnh, Bình Phước đã triển khai tuyên truyền PCTN với đa dạng hình thức, nhờ đó nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý kịp thời, tạo niềm tin trong nhân dân...

ĐẶT LÊN HÀNG ĐẦU

Sau 10 năm thực hiện Luật PCTN, Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động giám sát, phòng ngừa PCTN có nhiều chuyển biến như công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức; kiểm soát hiệu quả tài sản công; công tác kê khai tài sản, thu nhập của những người có chức vụ cũng được triển khai... Để đạt được kết quả trên, ngay từ những năm đầu thực hiện Luật PCTN, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành tuyên truyền phổ biến luật đến cán bộ, công nhân viên.

Nhiều cá nhân, tập thể được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tham nhũng

Những năm qua, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo phòng GD-ĐT các huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền Luật PCTN đến cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên. Đến nay, đã có 100% lãnh đạo trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành ở tỉnh đã ký cam kết không vi phạm Luật PCTN và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sở GD-ĐT đã phối hợp với Ban Nội chính tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn đề cương giảng dạy tích hợp Luật PCTN trong môn Giáo dục công dân và triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Riêng đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh, sở cũng đã có văn bản yêu cầu đưa nội dung vào giảng dạy. Cô Vũ Thị Dung, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, Trường THPT Đồng Xoài cho biết: “Mỗi khối có 2 tiết học về Luật PCTN, ngoài ra giáo viên còn lồng ghép, dạy tích hợp nội dung Luật PCTN vào một số tiết học nhằm giáo dục ý thức cho học sinh”.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN ở Bình Phước diễn ra ngày 23-12-2015, ông Nghiêm Sỹ Minh, Phó cục trưởng Cục III Thanh tra Chính phủ đánh giá: “Việc Sở GD-ĐT Bình Phước đưa Luật PCTN vào giảng dạy tại các trường là cách làm rất hay cần được nhân rộng. Nhờ thực hiện tốt bước phòng nên ngành giáo dục có số vụ tham nhũng trong 10 năm qua thấp hơn cả”.

XỬ LÝ NGHIÊM VI PHẠM

Song song với việc PCTN, Bình Phước còn xử lý nghiêm những đối tượng tham nhũng. Trên địa bàn tỉnh, tham nhũng xuất hiện chủ yếu trong lĩnh vực đất đai; quản lý, sử dụng các loại quỹ, phí... Nguyên nhân do các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sự quản lý, giám sát lỏng lẻo của lãnh đạo đơn vị; công tác thanh - kiểm tra chưa thường xuyên, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị liên quan. Một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Để từng bước hạn chế tình hình tham nhũng, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố nhiều vụ án, bị can đề nghị truy tố trước pháp luật. Từ năm 2005-2015, Công an tỉnh đã phát hiện 39 vụ việc, vụ án tham nhũng với 78 đối tượng, trong đó đã khởi tố 31 vụ với 54 đối tượng, xử lý kỷ luật 8 vụ, 22 đối tượng.

Ông Lê Viết Phong, Phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: “Để Luật PCTN thực sự hiệu quả thì việc xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm là biện pháp răn đe hữu hiệu nhất. Thông qua việc xử lý các vụ việc và vụ án tham nhũng đã giúp các cấp, ngành phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội. Từ đó bổ sung cơ chế chính sách, khắc phục tồn tại, yếu kém, đưa ra giải pháp phòng ngừa, tham nhũng, tiêu cực phù hợp hơn”. Trong 10 năm qua, tòa án nhân dân 2 cấp ở Bình Phước đã thụ lý và xét xử 35 vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng, trong đó cấp tỉnh 18 vụ, cấp huyện 17 vụ. Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm, tòa án nhân dân đã khẩn trương nghiên cứu hồ sơ đưa ra xét xử kịp thời. Tiêu biểu như, vụ án Huỳnh Nguyễn Quế Trâm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn (kế toán của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) làm giả và lập khống hồ sơ, chứng từ kế toán rút tiền mặt để chiếm đoạt. Ngoài ra, Trâm còn giả mạo chữ ký của lãnh đạo cơ quan trên các chứng từ để chiếm đoạt hơn 6,160 tỷ đồng. Sau khi điều tra, xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên xử bị cáo Huỳnh Nguyễn Quế Trâm mức án tù chung thân về tội tham ô tài sản.

Hay vụ án Lê Quang Chinh, cán bộ địa chính xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập (nay là huyện Phú Riềng) chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ trong số 2,412 tỷ đồng mà người dân trong xã nộp để đo đạc, lập trích, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần sau quy hoạch 3 loại rừng... Kết thúc vụ án, Chinh bị xử phạt 16 năm tù.

Đó là bản án thích đáng dành cho những kẻ tham nhũng. Qua đó, đã phần nào tạo được niềm tin cho nhân dân vào sự công bằng của pháp luật, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Thùy Hương

  • Từ khóa
14746

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu