Thứ 5, 28/03/2024 19:58:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:20, 03/07/2015 GMT+7

Phòng chống thiên tai là giải pháp giảm thiểu thiệt hại

Thứ 6, 03/07/2015 | 15:20:00 1,898 lượt xem
BPO - Sáng 3-7, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015. Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN Trần Ngọc Trai dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Năm 2014, thiên tai làm thiệt hại khoảng 30,6 tỷ đồng

Trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt gió lốc, mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét… làm thiệt hại về người, tài sản, hoa màu và nhiều công trình thủy lợi. Theo thống kê của Ban chỉ huy PCTT và TKCN, năm 2014, thiên tai làm 2 người bị cuốn trôi, 1 người bị thương; 769 căn nhà bị ngập, 162 căn bị tốc mái, 24 căn bị sập; 25,9ha ao, hồ cá bị ngập; gia cầm, gia súc bị cuốn trôi là 6.051 con. Có 2 cầu giao thông liên thôn, 4 cống qua đường, một bờ kè dài 30m bị sập; sạt lở 22,4km đường giao thông liên thôn cấp phối sỏi đỏ... Diện tích cây trồng các loại bị thiệt hại là 12.159,1ha. Ước tổng thiệt hại khoảng 30,6 tỷ đồng.

4 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng hạn hán kéo dài khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được, nước phục vụ sinh hoạt của người dân một số nơi thiếu trầm trọng. 78.841,8 ha cây trồng các loại bị giảm năng suất, chủ yếu là cây công nghiệp dài ngày; 862 ha ao bị thiếu nước; 6.693 hộ bị thiếu nước sinh hoạt (chiếm 10% số dân toàn tỉnh).

Trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ cho người dân khi qua đò trong mùa mưa   (Ảnh: Hoạt động tại bến đò ở xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú)

Tại cuộc họp ngày 3-7, ông Vũ Hồng Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời điểm từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6-2015, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, mưa kèm theo giông, gió, lốc xoáy gây thiệt hại về tài sản và hoa màu ở Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Đồng Phú và thị xã Đồng Xoài. Ước thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.

Biện pháp giảm thiểu thiệt hại

Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến không theo quy luật, năm 2015, Ban chỉ đạo PCTT và TKCN đã xác định công tác chuẩn bị, phòng ngừa phải được thực hiện đầy đủ theo phương châm: “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính”.

Những khu vực thường xảy ra lũ lụt được Ban chỉ đạo xác định như: Xã Đăng Hà, Thống Nhất (Bù Đăng); khu vực suối Rạt (thị xã Đồng Xoài và huyện Đồng Phú); khu vực suối Cần Lê (thị xã Bình Long và Lộc Ninh); khu vực suối Đâm (xã Bù Nho, xã Long Hà - Bù Gia Mập); ven sông Bé hạ lưu hồ Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng; xã Đắk Ơ, Phú Nghĩa (Bù Gia Mập)… Đây là khu vực có địa hình dốc, khi có mưa lớn thường bị ngập lụt hoặc tạo lũ bất ngờ nên rất khó dự báo, cảnh báo và triển khai đối phó.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở NN&PTNT đã thông qua Quyết định số 358/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc đổi tên Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thành Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước, đồng thời thành lập Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh Bình Phước. 

Ông Vũ Hồng Liêm đề nghị Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, thị xã: Thống kê địa bàn dân cư, các hộ dân sinh sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ, lụt để xây dựng bản đồ ngập lụt. Tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm cho dân biết và có ý thức chủ động phòng tránh. Tuyên truyền vận động nhân dân sống ven các sông, suối hiểu rõ nguy cơ lũ, lụt gây thiệt hại để cảnh giác, đề phòng, chủ động phòng tránh khi có mưa lớn xảy ra. Tổ chức lực lượng cứu hộ tại chỗ để xử lý kịp thời các tình huống bất ngờ xảy ra.

Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Trai nhấn mạnh: Thời tiết còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Vì vậy, các huyện, thị xã tiếp tục kiện toàn ban chỉ huy PCTT và TKCN, đưa ra những giải pháp ứng cứu cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn. Đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền đến người dân, thường xuyên kiểm tra các phương tiện và mở lớp tập huấn về sơ, cấp cứu nhằm sẵn sàng đối phó khi có tình huống xấu xảy ra, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ sống trong khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai.

Thùy Hương

  • Từ khóa
6842

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu