Thứ 5, 25/04/2024 13:20:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:36, 05/10/2017 GMT+7

Phòng, chống tham nhũng để đẩy lùi “tự diễn biến”

Thứ 5, 05/10/2017 | 08:36:00 2,611 lượt xem
BP - Để công tác phòng, chống tham nhũng góp phần tích cực vào việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, Kết luận số 21-KL/TW của Bộ Chính trị đưa ra 6 nhóm giải pháp cơ bản, với nhiều nội dung cụ thể và mới hơn so với Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), gồm:

Một là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ba là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bốn là, tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Năm là, tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sáu là, đổi mới, nâng cao năng lực của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng.

Với những giải pháp cụ thể nêu trên, nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, sâu rộng và hiệu quả, chắc chắn sẽ đem đến cho nhân dân nhiều hy vọng về bộ máy các cấp chính quyền thực sự vì dân, vì nước, vì sự phát triển của dân tộc trong tương lai. Không những thế, một khi làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng còn góp phần tích cực vào việc chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, đặc biệt là chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước. Vì tham nhũng có tác hại rất lớn đến sự phát triển của đất nước. Tham nhũng làm méo mó chính sách theo hướng có lợi cho một cá nhân hay lợi ích của một nhóm người, làm thất thoát tài sản, nguồn lực của đất nước. Chưa hết, tham nhũng còn làm suy giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và lớn hơn là của cả nền kinh tế, vì nó làm tăng chi phí trung gian, cản trở quá trình đầu tư, làm mất cơ hội kinh doanh... Không chỉ vậy, tham nhũng sẽ dẫn đến làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và giảm sức hấp dẫn đầu tư đối với các nhà kinh doanh nước ngoài.

Thực tế cho thấy, những cán bộ, đảng viên khi đã tham nhũng nghĩa là bản thân họ đã bị tha hóa về phẩm chất đạo đức, lối sống, tư cách đảng viên và xa rời lý tưởng của Đảng. Để trục lợi cho cá nhân hay vì lợi ích nhóm, những người này thường cố tình làm sai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật để bòn rút ngân sách, công quỹ. Họ luôn dùng mọi thủ đoạn để được lòng cấp trên, được giữ những vị trí “ngon”, rồi tạo lập ê-kíp trung thành để cùng nhau hợp thức hóa mọi mánh khóe “rút ruột” Nhà nước, hình thành một cơ chế, đường dây tham nhũng ngầm nhằm chiếm đoạt lượng tài sản lớn của đất nước. Và để kiếm chác các khoản lót tay, những kiểu người này còn tạo ra rào cản gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Họ vô cảm trước nỗi khổ của những người dân đói nghèo, không có việc làm, trước công việc chung của doanh nghiệp, đất nước bị trì trệ vì những khó khăn do chính những kẻ tham nhũng cố tình gây ra... 

Điều đáng lo ngại nữa là tham nhũng và quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xét về ngôn ngữ thì không liên quan đến nhau, nhưng trên thực tế lại có quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Vì từ “tự diễn biến” đến “tự chuyển hóa”  và cuối cùng là tự chui vào bẫy “diễn biến hòa bình” của các thế lực để chống phá Đảng, Nhà nước có khoảng cách cực kỳ mong manh. Trong khi đó, “diễn biến hòa bình” là một nội dung quan trọng trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Với thủ đoạn vô cùng tinh vi và âm mưu cực kỳ thâm độc, chúng tấn công toàn diện vào tất cả lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, tư tưởng, lý luận, văn hóa, nghệ thuật..., với mục đích khoét sâu những mâu thuẫn nội bộ, phá vỡ sự thống nhất về tư tưởng, ý chí trong Đảng, làm cho nội bộ Đảng suy yếu và “tự diễn biến”, rồi “tự chuyển hóa”.

Nguy hại hơn, tham nhũng còn làm đảo lộn các chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội, làm vẩn đục các mối quan hệ giữa người với người, khiến người dân không còn tin tưởng vào chính quyền. Đồng thời, tham nhũng còn khoét sâu sự mất công bằng trong xã hội, càng khuyến khích lối sống không lành mạnh, bóp nghẹt dân chủ, văn minh, làm cho nội bộ nghi kỵ, mâu thuẫn với nhau và dễ đưa đến tình trạng lôi bè kéo phái, tranh giành quyền lợi vật chất cũng như quyền lực chính trị bởi quyền lực càng cao họ càng dễ tham nhũng hơn. Chính những điều này không chỉ làm hoen ố truyền thống vẻ vang của Đảng mà còn tiếp sức cho các thế lực thù địch lợi dụng những điểm xấu, những tác hại gây ra của kẻ tham nhũng để quy kết, đánh đồng với cán bộ, đảng viên tốt, trung kiên.

Nhận rõ tính chất nguy hại của mối quan hệ giữa tham nhũng với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “diễn biến hòa bình”, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần 3 (khóa X), Đảng xác định: Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Đến Đại hội lần thứ XI, Đảng đã nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn  kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI).

Đến Đại hội XII, cụ thể là tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4, khóa XII, Đảng đã chỉ rõ: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước... sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

 Chính vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài đối với mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Làm tốt công tác này cũng là tích cực góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch đối với cách mạng Việt Nam.

Minh Quang

  • Từ khóa
2682

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu