Thứ 4, 24/04/2024 16:19:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 15:57, 02/08/2013 GMT+7

Phòng, chống ma túy - còn lắm gian nan

Thứ 6, 02/08/2013 | 15:57:00 2,924 lượt xem

Bình Phước tuy đã quản lý có hiệu quả việc vận chuyển và xóa bỏ nhiều tụ điểm ma túy phức tạp; triệt phá các vụ trồng cần sa... và ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, nhưng muốn duy trì bền vững cũng còn nhiều khó khăn. Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”, đã có nhiều ý kiến sâu sắc, nêu rõ thực trạng cũng như những yếu kém cần khắc phục về công tác này...

HUY ĐỘNG CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀO CUỘC

Đại tá Phạm Xuân Chiến, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết: 5 năm qua, lực lượng công an đã bắt giữ 321 vụ - 736 đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, trồng cần sa và sử dụng trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ gồm 15 ngàn tép hêrôin, viên ma túy tổng hợp, hơn 3 tấn cần sa tươi... Đặc biệt, tháng 3-2013, lực lượng công an đã phát hiện và triệt phá một chuyên án bắt 3 đối tượng, thu giữ gần 1,2kg hêrôin ở huyện Chơn Thành.

mit tinh ma tuy
Lãnh đạo thị xã Đồng Xoài và các ban, ngành đoàn thể đốt hình nộm bài trừ ma túy  - Ảnh: C.TR

Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định, song công tác này hiện vẫn còn hạn chế. Đó là, ở một số huyện, thị, vai trò của cấp ủy, chính quyền chưa rõ nét, thậm chí chưa đưa việc phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy vào chương trình hoạt động mà coi đây là nhiệm vụ của ngành công an. Đối với đảng viên để vợ, chồng, con nghiện ma túy hoặc có hành vi vi phạm liên quan đến ma túy vẫn chưa được xử lý triệt để. Đáng chú ý là tỷ lệ tái nghiện còn ở mức cao do công tác cai nghiện và quản lý người nghiện sau cai chưa chặt chẽ; dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện chưa được quan tâm đúng mức; chế tài quản lý đối với đối tượng trong khi chờ đưa đi cai nghiện bắt buộc chưa có...

Theo đại tá Phạm Xuân Chiến, muốn phòng chống ma túy hiệu quả phải tăng cường tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia và phù hợp với từng địa bàn, theo phương châm “lấy phòng ngừa là cơ bản”. Giữa công an với các sở, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội phải thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp phòng chống tội phạm ma túy. Ngành chức năng phải nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, dự báo tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội; chủ động phòng ngừa; phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, triệt phá kịp thời các tụ điểm, đường dây mua bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn... đồng thời tuyên dương, nhân rộng những gương điển hình.

Y TẾ XÃ PHẢI ĐƯỢC TẬP HUẤN QUY TRÌNH CAI NGHIỆN

Từ năm 2008 đến nay, Trung tâm Chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội tỉnh đã tiếp nhận 613 học viên và đã có 350 trường hợp được tái hòa nhập cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Nhãn, Giám đốc trung tâm cho biết: Qua kiểm tra những đối tượng trở về cộng đồng, chúng tôi nhận thấy, công tác quản lý, giáo dục, vận động, hỗ trợ người sau cai nghiện tại các địa phương chưa được quan tâm và chủ yếu vẫn giao cho lực lượng công an. Các ban, ngành, đoàn thể cấp xã chưa chủ động phối hợp cùng gia đình người nghiện trong việc vận động đăng ký cai nghiện tự nguyện và tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người nghiện... Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là đội ngũ làm công tác chuyên môn. Hiện số y, bác sĩ của trung tâm còn thiếu, trang thiết bị phục vụ điều trị không đáp ứng kịp yêu cầu đề ra. Y tế tuyến xã chưa được đào tạo về quy trình cai nghiện. Chế độ chăm sóc chưa được điều chỉnh kịp thời gây khó khăn cho công tác chăm lo đời sống học viên. Ở cấp tỉnh, cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội thiếu, còn cấp huyện, thị và xã chỉ làm kiêm nhiệm, thay đổi thường xuyên.

Theo ông Nguyễn Văn Nhãn, với điều kiện như hiện nay, muốn cai nghiện hiệu quả, phải phân loại từng đối tượng, để áp dụng từng loại thuốc và thời gian phù hợp theo đúng quy trình hướng dẫn. Đội ngũ y, bác sĩ ở các trạm y tế xã, phường, thị trấn phải được tập huấn, đào tạo về cắt cơn cho người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, trung tâm dạy nghề huyện, thị xã phải phối hợp cùng trung tâm quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ, giáo dục người sau cai nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng...

CAM KẾT NÓI KHÔNG VỚI MA TÚY

Thời gian qua, tình hình an ninh trật tự ở huyện Bù Gia Mập diễn biến phức tạp, trong đó tội phạm về ma túy đang là vấn đề nhức nhối. Số đường dây vận chuyển, mua bán ma túy từ thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương về ngày càng nhiều. Đặc biệt, đối tượng mua bán, sử dụng ma túy còn hình thành con đường mua bán mới tại “làng người Mông” ở tỉnh Đắk Nông về 2 xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập. Ngoài ra, các đối tượng nghiện ma túy đang có xu hướng chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá), đồng thời việc vận chuyển ma túy vào các trung tâm cai nghiện ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Nhiều đối tượng sử dụng thuốc tân dược có chứa chất ma túy với liều lượng cao để thay thế ma túy gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý. Hiện các xã Long Hà, Long Bình, Bù Nho, Phú Riềng và Đắk Ơ là những địa bàn phức tạp nhất về ma túy. Qua rà soát, toàn huyện hiện có 262 người nghiện ma túy, kéo theo nhiều tội phạm hình sự và tình trạng lây nhiễm HIV cao.

Ông Dương Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Bù Gia Mập cho rằng: Nhận thức của quần chúng và một số cơ quan, ban, ngành tại các địa phương về đấu tranh chống tệ nạn ma túy còn mang tính hình thức, chưa coi đấu tranh chống tệ nạn ma túy là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Một số địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo công tác cai nghiện, nhất là cai nghiện tại cộng đồng, gia đình. Đặc biệt, tình trạng lợi dụng cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà trọ, karaoke... để sử dụng ma túy rất phức tạp. Các lực lượng chức năng của huyện đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 34 vụ - 42 đối tượng buôn bán ma túy; tổ chức răn đe và giáo dục tại xã 356 đối tượng...

Theo ông Dương Văn Dũng, muốn hạn chế, phải tiến hành tổng rà soát đối tượng nghiện, mua bán chất ma túy, đẩy mạnh việc lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc, tập trung và thay đổi phương thức tuyên truyền để nâng cao ý thức quần chúng về tội phạm và tệ nạn ma túy. Rà soát và yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải cam kết “nói không với ma túy”. Kịp thời động viên, khen thưởng lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống ma túy. Nhất là phải đánh giá lại việc quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú, bởi hiện các địa phương không thực hiện được do thiếu nhân lực, phương tiện và kinh phí dẫn đến tình trạng tái nghiện khi trở về cộng đồng cao.

L.P (lược ghi)

  • Từ khóa
23331

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu