Thứ 5, 25/04/2024 06:39:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 15:18, 22/02/2017 GMT+7

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Thứ 4, 22/02/2017 | 15:18:00 178 lượt xem
BP - Ngày 20-2, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cuộc họp khẩn với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Hà Nội để bàn biện pháp ứng phó dịch cúm gia cầm A/H7N9 và cúm A/H5N1. Tại cuộc họp này, đại diện Bộ Y tế cho biết khả năng lây lan của virus cúm H7N9 vào Việt Nam là có thể xảy ra nếu công tác phòng chống ở nước ta không kịp thời và không hiệu quả.

Cúm gia cầm A/H7N9 là tên một loại virus cúm tìm thấy ở các loài chim, gia cầm và thủy cầm. Virus này lần đầu tiên được phát hiện tại Ý vào đầu thế kỷ XX, nhưng không có trường hợp nào mắc H7N9 ở người. Tháng 3-2013, tại Trung Quốc đã phát hiện người đầu tiên trên thế giới bị nhiễm cúm gia cầm. Hiện virus này đã “có mặt” ở nhiều nơi trên thế giới, có nguy cơ bùng phát thành đại dịch đối với người và có tỷ lệ tử vong cao. Theo WHO, kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên mắc cúm A/H7N9 (năm 2013) đến đầu năm 2015, thế giới có 486 người mắc loại cúm này và đã có 185 ca tử vong (chiếm 40%). Đặc biệt, từ tháng 10-2016 đến nay, ở Trung Quốc đã có 426 người mắc cúm gia cầm. Theo WHO, địa bàn bùng phát dịch cúm gia cầm ở Trung Quốc trong thời gian qua chủ yếu tại các tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam. Vì vậy, Bộ Y tế nhận định, khả năng dịch cúm gia cầm có thể tràn vào Việt Nam.

Bình Phước tuy xa Trung Quốc, nhưng có đường biên giới với nước bạn Campuchia dài 260,4km. Trên tuyến biên giới này có rất nhiều cửa khẩu chính và phụ..., nên hoạt động giao thương khá tấp nập. Đặc biệt, trong thời gian qua, tình trạng buôn lậu, vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới khá phổ biến và khó kiểm soát. Với nguồn hàng gia súc, gia cầm nhập lậu qua biên giới vào Bình Phước rất khó kiểm chứng về dịch bệnh. Ngoài ra, với vị trí tiếp giáp giữa Tây Nguyên và khu vực Đông Nam bộ, Nam bộ, nên Bình Phước có nguy cơ cao về sự xâm nhập của cúm A/H7N9 từ các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm đi qua địa bàn. Với địa hình đồi núi, có rừng, vườn cây ăn trái, sông suối, hồ đầm... nên Bình Phước là địa bàn lý tưởng để các loại chim, thủy cầm tìm đến kiếm mồi mang theo mầm bệnh...

Vì vậy, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” người dân cần nâng cao ý thức, chủ động phòng ngừa, không ăn các sản phẩm từ thịt gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc. Không được giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Người chăn nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khám bệnh cho gia súc, gia cầm, nếu phát hiện triệu chứng khác lạ thì báo ngay với ngành thú y để khoanh vùng xử lý. Ngành chức năng cùng các cấp chính quyền cần tuyên truyền đến nhân dân về sự nguy hại của dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia cầm. Người dân khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở do liên quan đến gia cầm cần đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Đặc biệt, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần quyết liệt hơn trong xử lý những đối tượng kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc. Người dân chủ động phòng tránh, xây dựng môi trường sống lành mạnh, hợp vệ sinh. Nói không với các mặt hàng nghi ngờ về nguồn gốc, chất lượng; tẩy chay những cửa hàng kinh doanh hàng giả, kém chất lượng... thì mới phòng ngừa được nguy cơ bùng phát cúm gia cầm trên người và vật nuôi.

T. Phong

  • Từ khóa
108584

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu