Thứ 5, 18/04/2024 14:39:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:48, 07/06/2017 GMT+7

Phiên tòa giả định - hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả cho ĐVTN

Thứ 4, 07/06/2017 | 09:48:00 166 lượt xem

BP - Ở huyện Đồng Phú, qua công tác giải quyết các vụ án hình sự cho thấy, hiện tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội ngày càng tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm. Trong đó có học sinh lười lao động, ăn chơi lêu lổng, tụ tập uống rượu, bia, không làm chủ được hành vi dẫn đến phạm tội... Theo thống kê, năm 2015, ngành chức năng huyện Đồng Phú khởi tố 94 vụ, 174 bị can; trong đó có 11 vụ (chiếm 11,7%), 23 bị can là thanh thiếu niên phạm tội (chiếm 11,8%); đến năm 2016, khởi tố 10/56 vụ (chiếm 17,8%), khởi tố 14/70 bị can (chiếm 20%), tăng 8,2% so với năm 2015.

Toàn cảnh phiên tòa giả định

Anh Lê Hoàng Anh, Bí thư Chi đoàn Tòa án - Viện kiểm sát - Thi hành án huyện Đồng Phú, cho biết: Với đặc thù là chi đoàn có đoàn viên, thanh niên công tác trong ngành pháp luật, chi đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường và ý thức chấp hành pháp luật của thanh, thiếu nhi, cũng như giúp đoàn viên, thanh niên chi đoàn rèn luyện kỹ năng xét xử lưu động.

Chi đoàn Tòa án - Viện kiểm sát - Thi hành án huyện Đồng Phú đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện đoàn xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật qua mô hình phiên tòa giả định tổ chức tại Trường THPT Đồng Phú. Tất cả vai diễn trong phiên tòa đều do đoàn viên chi đoàn đóng. Ban Chấp hành chi đoàn đã xây dựng kịch bản dựa trên một vụ án có thật liên quan đến hành vi “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy”, “Trộm cắp tài sản”, “Cố ý gây thương tích”..., trong đó tên nhân vật, thời gian và địa điểm thực hiện hành vi phạm tội được thay đổi.

Phiên tòa giả định đã làm nổi bật hành vi phạm tội của bị cáo, như: Thiếu hiểu biết pháp luật và muốn hưởng lợi bất chính. Được đối tượng khác cho sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến bị cáo đã có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Những tình huống nêu trên rất dễ xảy ra đối với lứa tuổi học sinh ngày nay và thực tế là bị cáo bị một người bạn dụ dỗ, lôi kéo. Bên cạnh đó, phiên tòa phân tích sâu vào nhân thân của các bị cáo để tìm tình tiết giảm nhẹ. Người đóng vai bị cáo đã hoàn thành tốt diễn biến tâm lý khi nghe hội đồng xét xử phân tích hành vi phạm tội của mình. Các tình tiết hồi hộp, gay cấn, sự tranh tụng quyết liệt giữa các bên đã thu hút sự quan tâm theo dõi của học sinh tham dự phiên tòa.

Thầy Cao Quang Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Phú cho biết, việc tuyên truyền pháp luật thông qua phiên tòa giả định rất thiết thực và hiệu quả hơn tuyên truyền bằng pa-nô, áp phích hay băng rôn. Tuy chỉ là phiên tòa giả định nhưng các hình thức tố tụng như một phiên tòa thật sự, bởi rất cụ thể về các điều luật cũng như tình huống mà các em đã gặp nên phù hợp với nhận thức của học sinh.

Tuy là lần đầu tiên tổ chức nhưng phiên tòa giả định đã tạo hiệu ứng sâu rộng trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đoàn viên thanh niên. Sau khi tổ chức hoạt động điểm này, Ban Chấp hành chi đoàn đã họp đánh giá, rút kinh nghiệm để những lần tiếp theo đạt kết quả tốt hơn. Trong thời gian tới, Ban Chấp hành chi đoàn sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều phiên tòa giả định tại ấp vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các tiêu chí nâng cao chất lượng phiên tòa, đa dạng hóa các loại tội phạm trong vụ án và địa điểm tổ chức phiên tòa để đưa pháp luật đến gần hơn với người dân, đặc biệt là đoàn viên thanh niên.

Khắc Bảy

  • Từ khóa
83867

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu