Thứ 5, 25/04/2024 02:43:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:47, 12/03/2019 GMT+7

Phía sau thỏi son học trò

Thứ 3, 12/03/2019 | 06:47:00 719 lượt xem
BP - “Mùa lạnh nhìn các bạn nữ bị khô môi đến chảy máu. Hình ảnh ấy đặt cho em câu hỏi mình phải làm gì để các bạn nữ không bị hiện tượng này vào mùa lạnh? Ý tưởng làm son môi được khởi nguồn từ đó. Em mang câu hỏi các thành phần của son môi gồm những gì thắc mắc với thầy Phan Đình Viên, thầy nói thành phần chính là dầu gấc, dầu dừa cùng với sáp ong. Dựa trên cơ sở đó, nhóm chúng em chia nhau tìm kiếm, nghiên cứu tài liệu rồi chế tạo ra “Son gấc thiên nhiên” để dưỡng môi cho phụ nữ” - nhóm trưởng Đặng Thị Yến Nhi, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Phước Bình (Phước Long) chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu đang phối trộn các tinh dầu từ thiên nhiên trước khi chưng cất thành son dưỡng môiNhóm nghiên cứu đang phối trộn các tinh dầu từ thiên nhiên trước khi chưng cất thành son dưỡng môi

GIÁ NGHIÊN CỨU

Sau 2 tháng nghiên cứu Đề tài khoa học “Son gấc thiên nhiên”, đầu năm 2019, nhóm học sinh lớp 11A1, Trường THPT Phước Bình đã đưa ra thị trường sản phẩm son dưỡng môi hoàn toàn bằng các chất tự nhiên từ dầu gấc, dầu dừa và sáp ong với tên thương hiệu Beautiful Natural Cosmetic (B.N.N). Sự ra đời sản phẩm này là một câu chuyện dài của nhóm nghiên cứu gồm 6 thành viên. Các em phải tiết kiệm tối đa trong vòng 2 tháng mới có kinh phí phục vụ quá trình nghiên cứu. “Thay vì tô phở, hủ tiếu, bún thịt nướng... từ 20.000-25.000 đồng cha mẹ cho ăn sáng, chúng em chỉ ăn mì gói từ 3.000-4.000 đồng. Số tiền còn lại chúng em để dành mua nguyên vật liệu như dừa, gấc và sáp ong. Tiền mua nguyên liệu cũng chỉ bằng một nửa so với tiền mua sắm các thiết bị nồi, xoong, ly, chén, ống nghiệm... để phục vụ nghiên cứu”. “Hết bao nhiêu rồi?” - tôi đặt câu hỏi. Thành viên marketing của nhóm Đỗ Hoàng Anh Minh trả lời: “Chắc hết 5 triệu rồi chú ơi!”. “Đâu có, khoảng 4 triệu đồng thôi” - Trưởng nhóm Yến Nhi cải chính. “Bà nói sao vậy, tiền mua thiết bị không thôi đã hơn 2 triệu rồi” - Anh Minh đáp lại. “Quá trình nghiên cứu có hay cãi nhau không?” - tôi hỏi. “Dạ, có chứ, nhất là những lúc đưa ra tỷ lệ pha chế không thành công là nhóm chia phe cãi nhau bất phân thắng bại, chú ạ” - thành viên của nhóm Phạm Dương Phúc Hậu chen vào. “Nhưng mà vui lắm chú ơi. Vui nhất là lần chế tạo được thỏi son khá đẹp, màu sắc, độ mềm như ý nhưng vì quên ghi chép nên cuối cùng không nhớ công thức pha chế thế nào. Thế là cả nhóm phải nghiên cứu, mày mò pha chế, ghi chép lại từ đầu. Có những hôm cuối tuần, cả nhóm làm việc quên ăn, đến khi đói chạy đi pha mì tôm ăn một cách ngon lành, cả nhóm ăn như chưa bao giờ được ăn. Ở nhà không bao giờ tìm được cảm giác như thế đâu chú” - một trong 6 thành viên của nhóm nghiên cứu lên tiếng. “Bán lại công thức chế biến cho chú 1 tỷ đồng được không?”. Cả nhóm yên lặng. “2 tỷ nhé?” - tôi hỏi vui. Cả nhóm tiếp tục yên lặng. “Vậy 5 tỷ?”. Lần này Yến Nhi lên tiếng: “Sau khi bán tụi con có được tiếp tục nghiên cứu dựa trên kết quả của mình không?”. “Dĩ nhiên là không” - tôi trả lời. “Vậy thì không bán” - Yến Nhi quả quyết. “10 tỷ nhé?” - tôi tiếp tục ngã giá. Yến Nhi: “Sao khó thế?...”.

CHẮP CÁNH ĐAM MÊ

Nhãn mác, tên tuổi, nguồn gốc xuất xứ và cả việc hướng dẫn sử dụng đều không ghi trên sản phẩm mà ghi trên mảnh giấy học trò. Trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, 4 nữ sinh là thành viên trong nhóm tự sử dụng sản phẩm của chính mình nghiên cứu. Đặc biệt là Yến Nhi thường bị nứt môi, sau khi sử dụng sản phẩm cho kết quả khá tốt. Sau đó, các thành viên vận động tất cả đội ngũ cô giáo trong nhà trường và cả cô, dì, mẹ ruột của mình dùng thử. Mẹ các em đem kết quả của nhóm khoe với hàng xóm rồi đưa sản phẩm cho mọi người dùng thử. Sau 1 tháng sử dụng, các khách hàng phản hồi khá tốt và tiếp tục đặt mua sản phẩm, cả nhóm mới thở phào nhẹ nhõm. Tính đến cuối tháng 2 vừa qua, nhóm bán được hơn 100 thỏi son gấc thiên nhiên với giá 50.000 đồng/cây. Từ số tiền có được, nhóm đang bắt tay vào nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm từ son dưỡng môi lên son lì hoàn toàn bằng các chất tự nhiên. Ngoài ra, các em còn trích 10% giá bán sản phẩm để dành tặng học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập của nhà trường. Một hành động thật đáng trân trọng của nhóm.

Giáo viên hướng dẫn Phan Thị Thảo Quyên cho biết, quá trình nghiên cứu và sản xuất son dưỡng môi của các em dựa vào niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Với kết quả bước đầu đã giúp các em có niềm tin hơn trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, quy trình sản xuất của các em từ chiết xuất tinh dầu cho đến khi phối trộn và chưng cất các hợp chất với nhau đều dựa vào chân tay hết sức thủ công. Niềm ao ước trong nghiên cứu khoa học của các em là phát triển son dưỡng môi thành son lì hoàn toàn bằng các chất tự nhiên, vì sức khỏe của người tiêu dùng. Thế nhưng cái khó hiện nay là thiết bị phục vụ cho quá trình nghiên cứu thiếu hoàn toàn, ngay cả một chiếc máy đo lường nguyên liệu cũng thiếu. Để có được sản phẩm đạt chuẩn bằng các hợp chất hoàn toàn từ thiên nhiên như hôm nay là cả quá trình dày công nghiên cứu, tìm tòi đến quên ăn, quên ngủ của các em. Nếu dừng lại ở giai đoạn này thì quả là niềm tiếc xót không chỉ đối với các em mà cho cả giáo viên của trường. Biết vậy, nhưng nhà trường không đủ kinh phí để mua sắm trang thiết bị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em thỏa niềm đam mê trong nghiên cứu khoa học. Hy vọng ngành khoa học tỉnh nhà hoặc doanh nghiệp nào đó có đủ tâm, tài hỗ trợ dây chuyền công nghệ để chắp cánh cho niềm đam mê của các em. Xin hãy cứ đặt niềm tin vào các em, các em sẽ làm được. Bởi phía sau thỏi son kia là niềm tin, là niềm đam mê nghiên cứu khoa học đến cháy bỏng của các em.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
88446

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu